Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn khoảng 207.000 tỷ, trong đó 59,3% là của các doanh nghiệp bất động sản.
Số liệu tổng hợp của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho thấy, trong quý IV-2023, có 166 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước thành công, với tổng giá trị phát hành khoảng 146.277 tỷ đồng, tăng 22,3% so với quý III-2023, cao gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 159 đợt phát hành riêng lẻ, với tổng giá trị phát hành 131.970 tỷ đồng, chiếm 90,2% tổng giá trị phát hành.
Lũy kế cả năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 335.721 tỷ đồng, tăng 25,6% so với năm 2022, trong đó tổng giá trị các đợt phát hành riêng lẻ đạt khoảng 300.610 tỷ đồng, tăng 21%.
Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tiếp tục có sự phục hồi trong quý IV-2023 khi tăng 22% so với quý III-2023 và cao gấp hơn 17 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Sự phục hồi này là do sự gia tăng phát hành của nhóm ngân hàng. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhóm ngân hàng phát hành trong quý IV-2023 đạt khoảng 92.203 tỷ đồng, chiếm gần 69,9% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Ông Nguyễn Bá Khương, chuyên gia khối phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, bước sang năm 2024, áp lực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn vẫn còn lớn.
Theo ước tính của VNDIRECT, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn năm 2024 là khoảng 207.000 tỷ đồng, trong đó 59,3% là của các doanh nghiệp bất động sản.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, việc tháo gỡ pháp lý cho các dự án còn chậm so với kỳ vọng, áp lực dòng tiền và đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ là thách thức lớn đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản.
Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có thể trầm lắng trở lại nếu không có chính sách hỗ trợ thay thế cho Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, hết hiệu lực từ ngày 1-1-2024.
Trong khi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, với quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm bắt buộc..., chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày trên.
Vị chuyên gia này nêu quan điểm, nên tiếp tục hỗ trợ và thúc đẩy quá trình phục hồi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bên cạnh mục tiêu nâng cao chất lượng và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững trong dài hạn.
“Chúng tôi kỳ vọng, với sự nỗ lực của cả nhà điều hành lẫn các chủ thể tham gia thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp phát hành, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể chứng kiến đà phục hồi rõ nét và bền vững từ cuối 2024”, ông Nguyễn Bá Khương nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.