Tài chính

Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển trái phiếu doanh nghiệp

Hương Thủy 28/11/2023 - 21:11

Chiều 28-11, tại trụ sở Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì cuộc họp với các bộ, cơ quan Trung ương và các hiệp hội, doanh nghiệp lấy ý kiến đánh giá tình hình triển khai Nghị định số 08/2023/NĐ-CP và định hướng chính sách thời gian tới.

Thị trường dần ổn định

Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Hoàng Dương cho biết, thời quan qua, trước khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai các giải pháp ổn định thị trường.

Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, góp phần giúp doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý các khó khăn trước mắt về trái phiếu. Bộ Tài chính cũng thường xuyên theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp thanh toán nợ trái phiếu; tăng cường công tác thanh tra, giám sát chấn chỉnh và xử lý vi phạm. Công tác truyền thông cũng được tăng cường để khôi phục niềm tin cho nhà đầu tư.

hop.jpg
Quang cảnh cuộc họp.

Nhờ đó, từ quý II-2023 đến nay, thị trường dần ổn định trở lại. Tính từ khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực đến ngày 3-11-2023, theo số liệu theo dõi của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, có 68 doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với khối lượng 189,7 nghìn tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thời điểm cuối tháng 10-2023 là khoảng 1 triệu tỷ đồng, chiếm 10,5% GDP năm 2022, bằng 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.

Tại cuộc họp, đa số các đại biểu đều đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính là không cần thiết kéo dài thời gian ngưng hiệu lực thi hành quy định xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Không kéo dài hiệu lực một số quy định

Theo lý giải của Bộ Tài chính, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân phải bảo đảm danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỷ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay. Đến nay, sau hơn 8 tháng triển khai Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân đã tích lũy đủ thời gian 180 ngày để đáp ứng quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP nên không cần thiết kéo dài thời gian ngưng hiệu lực thi hành quy định này.

Ngoài ra, pháp luật chứng khoán còn quy định các cách khác để xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân đang được thực hiện như có chứng chỉ hành nghề chứng khoán, có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu 1 tỷ đồng. Việc thực hiện quy định xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sẽ giảm thiểu rủi ro phân phối, chào mời nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu, tăng cường tính an toàn và bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bộ Tài chính cũng đề xuất không kéo dài thời gian ngưng quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, bởi việc tiếp tục thực hiện quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sẽ không có vướng mắc.

Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã cấp phép thêm 1 doanh nghiệp, tổng số doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm là 3 doanh nghiệp trên tổng số cho phép tối đa là 5 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm, trong đó có một doanh nghiệp có liên doanh với tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế.

Tại cuộc họp, Bộ Tài chính cũng nhìn nhận không cần thiết kéo dài thời gian ngưng hiệu lực thi hành quy định giảm thời gian phân phối trái phiếu. Nghị định số 65/2022/NĐ-CP quy định thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán không vượt quá 30 ngày (quy định trước đây là 90 ngày, tương tự như trái phiếu doanh nghiệp chào bán ra công chúng). Mục tiêu của quy định này là nhằm hạn chế việc doanh nghiệp lợi dụng thời gian phân phối trái phiếu dài, chào mời nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ không phải nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu.

Để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp cân đối và huy động các nguồn lực thanh toán nghĩa vụ nợ đến hạn, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP quy định ngưng thực hiện quy định về giảm thời gian phân phối trái phiếu đến hết ngày 31-12-2023. Đến nay, thanh khoản của thị trường đã ổn định trở lại. Nhằm hạn chế rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hạn chế tình trạng doanh nghiệp lợi dụng phân phối, chào mời nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ không phải nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua trái phiếu, Bộ Tài chính cho rằng không cần thiết kéo dài thời gian ngưng hiệu lực thi hành quy định này.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay, Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến, cân nhắc kỹ để đưa ra phương án phù hợp nhất với tình hình thực tế; nhằm xây dựng thị trường trái phiếu nói chung và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nói riêng phát triển bền vững. Để tiếp tục ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã báo cáo tổng thể lên Chính phủ một loạt các giải pháp...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển trái phiếu doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.