Theo dõi Báo Hànộimới trên

Áp lực “ghế nóng” của Thủ tướng Nhật Bản

Đình Hiệp| 25/02/2011 07:16

(HNM) - Dù quyết tâm tại vị nhằm tạo thêm động lực cho sự phục hồi nền kinh tế đất nước cũng như thúc đẩy cải cách hệ thống an sinh xã hội, nhưng sức ép từ chức vẫn ngày một đè nặng lên đôi vai Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan.

Với tỷ lệ ủng hộ dành cho nội các của đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền xuống dưới 20% - ngưỡng "đèn đỏ" nguy hiểm nhất kể từ khi DPJ lên nắm quyền tháng 9-2009 - đang đe dọa chiếc "ghế nóng" của Thủ tướng N.Kan khi thời hạn Quốc hội thông qua dự thảo ngân sách cho năm tài khóa 2011 (từ ngày 1-4 tới) đang đến gần.

Đa số người dân Nhật Bản không hài lòng với cách giải quyết các vấn đề kinh tế của Chính phủ.

Không hài lòng với cách giải quyết các vấn đề kinh tế và ngoại giao của Thủ tướng N.Kan được xem là nguyên nhân căn bản khiến 60% số người được hỏi cho rằng chính phủ cần tổ chức bầu cử càng sớm càng tốt. Không khỏi ngạc nhiên khi có tới 26% trong số đó tuyên bố sẽ ủng hộ đảng Dân chủ tự do (LDP) đối lập nếu Hạ viện giải tán và tổng tuyển cử trước thời hạn được tổ chức.

Thực tế cho thấy ngay sau khi 16 nghị sỹ là đảng viên DPJ cầm quyền cuối tuần qua rút khỏi nhóm nghị sỹ của đảng này tại Hạ viện để phản đối cách điều hành của Thủ tướng N.Kan khiến cho sức ép từ chức tăng mạnh thậm chí trong nội bộ DPJ. Theo luật pháp Nhật Bản, một dự luật có thể được thông qua nếu giành được sự ủng hộ của 2/3 nghị sỹ tại Hạ viện ngay cả khi Thượng viện phủ quyết. Việc mất 16 lá phiếu ủng hộ trên tại Hạ viện sẽ khiến kế hoạch thông qua dự thảo ngân sách trị giá 1,1 nghìn tỷ USD của Thủ tướng N.Kan cho năm tài chính 2011 càng trở nên khó thực hiện hơn.

Cùng với việc để Trung Quốc vượt mặt trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm 2010, sự kiện Tổ chức đánh giá chỉ số tín nhiệm quốc tế Moody's Investors Service vừa phải điều chỉnh triển vọng tín nhiệm đối với trái phiếu Nhật Bản từ mức "ổn định" sang "tiêu cực" do khó khăn mà chính phủ nước này đang phải đối mặt cũng như triển vọng giải quyết gánh nặng nợ công còn mờ mịt, khiến dư luận Nhật Bản không khỏi quan ngại. Báo cáo sơ bộ mới nhất của Bộ Tài chính Nhật Bản còn cho thấy, cán cân thương mại của Nhật Bản trong tháng 1-2011 đã rơi vào tình trạng thâm hụt với con số 471,8 tỷ yên - lần đầu tiên kể từ tháng 3-2009 nước này thâm hụt thương mại do giá trị xuất khẩu giảm mạnh.

Khó khăn lớn nhất của nội các Thủ tướng N.Kan hiện nay là việc thông qua dự thảo ngân sách cho năm tài khóa 2011 - đang bị phe đối lập cản trở tại Thượng viện. Để khai thông tình trạng bế tắc, Chủ tịch đảng Quốc dân mới Shizuka Kamei - đảng trong liên minh cầm quyền - đã đề nghị Thủ tướng N.Kan thành lập "Nội các cứu quốc" với thành phần mở rộng bao gồm cả những nhân vật có uy tín của các đảng đối lập. Tuy nhiên, giữa lúc các đảng đối lập đang tận dụng tình thế khó khăn của Thủ tướng N.Kan để gây sức ép giải tán Hạ viện và tiến hành tổng tuyển cử, việc kêu gọi các đảng đối lập tham gia vào "Nội các cứu quốc" xem ra không mấy khả thi.

Tuy nhiên, trong một phát biểu mới nhất tại cuộc họp của Ủy ban Ngân sách Hạ viện ngày 23-2, Thủ tướng N.Kan đã bác bỏ khả năng giải tán Hạ viện trong tương lai gần, khẳng định sẽ nỗ lực thúc đẩy Quốc hội thông qua dự thảo ngân sách cho tài khóa 2011 và các dự luật liên quan trong thời gian từ nay tới cuối tháng 3. Hơn bao giờ hết, ngân sách cho tài khóa mới đang không chỉ sẽ quyết định sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản mà còn trắc nghiệm uy tín của người đứng đầu nội các xứ Mặt trời mọc trong những ngày tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áp lực “ghế nóng” của Thủ tướng Nhật Bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.