Trần giá sữa vừa được áp (ngày 1/6), nhiều hãng sữa đồng loạt giảm cả giá bán lẻ (sẽ áp dụng từ 20/6) với mức từ 40.000 đồng-138.000 đồng/hộp
Giảm nhanh để nhận “hoa hồng”
Theo khảo sát của PV, 2 ngày gần đây, các đại lý, cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội đã đồng loạt giảm giá bán lẻ nhiều sản phẩm sữa trước thời hạn quy định.
Chủ cửa hàng bán lẻ trên đường Trần Khát Chân (Hà Nội) cho biết, đã nhận được thông báo từ nhà phân phối và thực hiện (từ 28/5) giảm giá bán lẻ đối với 5 dòng sản phẩm của Abbott bị áp giá trần. Theo đó, sản phẩm sữa Abbott Grow 3 có mức giá bán buôn 258.000 đồng. Giá bán lẻ khuyến nghị mới 271.000 đồng/hộp 900g (giảm 40.000 đồng/hộp).
Giá bán lẻ một số sản phẩm sữa giảm giá trước quyết định áp trần. Ảnh: Như Ý |
Mặt hàng có mức giá bán lẻ giảm mạnh nhất là sản phẩm Similac GainPlus IQ với Intelli Pro. Theo đó, mức giá bán lẻ mới ở mức 727.000 đồng/hộp1,7 kg (giảm 138.000 đồng). Sản phẩm Grow G-Power vanilla, xuống còn 641.000 đồng/hộp 1,7 kg (giảm 101.000 đồng).
Một số đại lý kinh doanh sữa trên đường Hàng Buồm (Hà Nội) cho biết đang tìm cách giảm giá bán nốt số hàng đã nhập để được hưởng chênh lệch trước khi bị áp trần, cũng như được nhận phần trăm hoa hồng bán hàng.
Theo tính toán của chủ một cửa hàng sữa trên phố Hàng Buồm (Hà Nội), hiện giá bán lẻ của nhiều dòng sản phẩm sữa cũng rục rịch giảm giá. Với việc áp giá trần, trong những ngày tới, giá sữa Enfagrow A + 3 bán lẻ của Mead Johnson sẽ phải giảm tới 175.000 đồng/hộp 1,8kg. Dòng Enfamil A+2 phải giảm 73.000 đồng/hộp 900g trong khi sản phẩm Enfamil A + 1 (trước là sản phẩm Enfalac) phải giảm 36.000 đồng/hộp 400g. Dòng sản phẩm Nan pro 3 của Nestle sẽ phải giảm khoảng 22.000 đồng/hộp 900g.
“Các dòng sản phẩm khác của Vinamilk sẽ phải giảm từ 6.000 đồng đến hơn 32.000 đồng/hộp từ ngày 20/6 tới. Chỉ có các sản phẩm của Friso là ít bị giảm giá nhất nếu tính theo quy định áp giá trần. Hãng này phải giảm từ vài trăm đồng đến khoảng 10.000 đồng/hộp đối với 5 dòng sản phẩm bị áp trần”, vị này tính toán.
Nhân viên của một cửa hàng sữa trên đường Lò Đúc (Hà Nội) cho biết, các hãng sữa đã có văn bản cam kết hỗ trợ đại lý 100% khoản chênh lệch giữa giá cũ và giá mới (với số sữa mà các cửa hàng đã nhập trước đó). Theo đó, các cửa hàng sẽ được kiểm kê và hỗ trợ phần chênh lệch giá bán theo mức mới và mức giá nhập trước đó.
“Với mức giảm vài chục nghìn đồng theo quy định của giá trần, riêng phần hỗ trợ chênh lệch với số hàng cửa hàng đã nhập, nhưng chưa bán hết lên tới hơn 40 triệu đồng. Đây là số tiền khá lớn”, nhân viên này ước tính.
Giảm trọng lượng, phải giảm giá bán
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết, theo tính toán của cơ quan này, nhiều sản phẩm sữa sẽ phải giảm giá bán lẻ từ 10% đến 21% so với hiện tại.
Theo ông Nghĩa, các doanh nghiệp phải tự xác định tất cả chi phí để có thể thực hiện giá trần quy định. Với những sản phẩm mới, doanh nghiệp phải đăng ký, làm việc với cơ quan nhà nước trao đổi, làm rõ chi phí. Trường hợp nếu việc áp giá trần khiến doanh nghiệp bị lỗ, cơ quan quản lý sẽ xem xét điều chỉnh.
Bộ Tài chính đã lường trước các tình huống việc doanh nghiệp sữa có thể lách bằng cách thay đổi mẫu mã nhãn hàng để ra khỏi danh mục áp trần giá trần. Do đó, bộ này đã quy định, bất kỳ nhãn sữa mới nào đều phải làm thủ tục đăng ký giá theo quy định. Sau 5 ngày kể từ khi nộp hồ sơ đăng ký, bộ sẽ công bố mức giá trần mới cho sản phẩm đó. Với những sản phẩm thay đổi bao bì, thành phần giữ nguyên mà giảm trọng lượng, sẽ phải giảm giá bán.
“Với một doanh nghiệp, việc thay đổi mẫu mã, bao bì, chất lượng đều phải cân nhắc kỹ. Bởi vì không chỉ tốn kém về chi phí, mà còn có nguy cơ mất thị phần do người tiêu dùng sẽ lạ lẫm, nghi ngại đối với sản phẩm đó. Tôi không tin các doanh nghiệp sữa làm việc ấy bởi lẽ họ rất hiểu chủ trương của Chính phủ, sẵn sàng chia sẻ cùng nhà nước để bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho chính mình” ông Nghĩa phân tích.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.