(HNMO)- Đây là nội dung do Tổng cục Hải quan nêu tại cuộc họp báo chuyên đề “ Áp dụng quản lý tuân thủ đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” tổ chức sáng 28-10 tại Hà Nội.
Hải quan Nội Bài kiểm tra tang vật sừng tê giác và ngà voi nhập lậu |
Năm 2016, trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, triển khai Luật hải quan (năm 2014), Hải quan Việt Nam đã áp dụng quản lý rủi ro (QLRR) trong thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (NXK) thương mại. Trong tiến trình hội nhập kinh tế, ngành Hải quan đã chịu sự tác động mạnh mẽ trước sự gia tăng về số lượng cũng như tốc độ di chuyển cực kỳ nhanh chóng của dòng chảy hàng hoá, phương tiện, hành khách qua lại cửa khẩu biên giới Việt Nam. Tính riêng năm 2015, tổng số lượng tờ khai XNK được thực hiện là 8.510.000 tờ khai với kim ngạch đạt 327,59 tỷ USD.
Thông qua việc triển khai hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, thời gian thông quan lô hàng giảm đáng kể. Đặc biệt đối với các lô hàng thuộc diện không phải nộp thuế, được hệ thống phân luồng Xanh, thời gian làm thủ tục hải quan có thể chỉ diễn ra trong vài giây. Thế nhưng, áp lực ngày càng lớn từ các cam kết thương mại quốc tế, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong việc giảm thiểu thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan, tạo thông thoáng tối đa cho các hoạt động XNK, xuất nhập cảnh đòi hỏi cơ quan hải quan ngày càng phải chú trọng hơn vào việc cải cách, hiện đại hóa về phương thức quản lý. Biện pháp quản lý tuân thủ dựa trên QLRR chính là giải pháp tối ưu cho Hải quan Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề trên.
Ông Bùi Thái Quang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan cho biết), cả nước hiện có khoảng gần 60.000 DN thường xuyên có hoạt động XNK. Hàng năm, ngành Hải quan phân cấp nhiệm vụ cho các đơn vị có trách nhiệm thu thập, cập nhật bổ sung các thông tin mới về doanh nghiệp vào hồ sơ doanh nghiệp nhằm phục vụ đánh giá tuân thủ và phân loại rủi ro doanh nghiệp. Qua đó, Tổng cục Hải quan sẽ đánh giá tuân thủ và phân loại rủi ro DN thành 3 nhóm: DN ưu tiên; DN tuân thủ; DN không tuân thủ. DN tuân thủ được áp dụng tỷ lệ kiểm tra rất thấp, bảo đảm thông quan nhanh chóng, thuận lợi. Những DN này cũng sẽ được cơ quan hải quan hỗ trợ về thông tin, kiểm soát hệ thống nội bộ DN nhằm nâng cao năng lực tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế áp dụng đối với hàng hóa, phương tiện vận tải của DN.
Đối với DN không tuân thủ, cơ quan hải quan sẽ tăng cường kiểm tra trực tiếp hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Thông tư 38/2015/TT-BTC. Bên cạnh đó, cơ quan hải quan sẽ phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp để kịp thời tiếp nhận, xử lý vướng mắc của DN, đồng thời hướng dẫn, cung cấp thông tin nhằm hỗ trợ DN năng cao năng lực tuân thủ pháp luật trong hoạt động xuất nhập khẩu.
DN chấp hành pháp luật hải quan, pháp luật thuế và pháp luật có liên quan; chủ động, cung cấp thông tin hồ sơ DN cho cơ quan hải quan để cơ quan hải quan có đủ thông tin đánh giá DN kịp thời và hiệu quả; Hợp tác với cơ quan hải quan trong việc cung cấp kịp thời vướng mắc phát sinh để cơ quan hải quan kịp thời xử lý; Cung cấp thông tin DN có dấu hiệu vi phạm cho cơ quan hải quan để lành mạnh hóa môi trường kinh doanh sẽ được đánh giá là DN chấp hành tốt thủ tục hải quan và được hưởng nhiều ưu đãi khi hoạt động XNK. Biện pháp QLRR được coi là giải pháp thiết thực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng DN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.