(HNMO) - Chiều 17-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười, với 91,91% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Luật gồm 16 chương, 171 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022.
Trước khi thông qua toàn bộ dự thảo Luật, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 28 quy định “Các tiêu chí về môi trường để phân loại dự án đầu tư”; Điều 35 quy định “Thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường” và Điều 40 quy định “Nội dung giấy phép môi trường”.
Trong đó, Điều 28 của Luật quy định, căn cứ tiêu chí về môi trường, dự án đầu tư được phân thành các nhóm I, II, III và IV. Cụ thể, dự án đầu tư nhóm I là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao; dự án đầu tư nhóm II là dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường; dự án đầu tư nhóm III là dự án ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường và dự án đầu tư nhóm IV là dự án không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.
Về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, Điều 35 của Luật quy định, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư nhóm I và dự án đầu tư nhóm II thuộc thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; dự án đầu tư nằm trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên; dự án nằm trên vùng biển chưa giao trách nhiệm quản lý hành chính của UBND cấp tỉnh; dự án đầu tư thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản, cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cấp giấy phép nhận chìm vật, chất ở biển của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư thuộc bí mật quốc phòng, an ninh. UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư trên địa bàn, trừ đối tượng quy định phân cấp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp tỉnh nơi có dự án thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình.
Đáng chú ý, Điều 79 của Luật quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán phù hợp với quy định của pháp luật về giá; dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại theo đúng quy định thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác. Quy định tại Điều 79 phải được thực hiện chậm nhất trước ngày 31-12-2024.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.