Những hình ảnh vệ tinh mới được phát hiện có thể đem lại manh mối cho các nhà khoa học về vị trí của máy bay Malaysia Airlines.
Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy các vật thể trôi nổi. Ảnh: ATSB. |
"Phân tích đã phân loại 12 vật thể có thể là 'do con người tạo ra', nhưng không thể xác nhận liệu nó có phải mảnh vỡ máy bay hay không".
Bức ảnh do quân đội Pháp chụp ở Ấn Độ Dương vào ngày 23-3-2014, hơn hai tuần sau khi máy bay mất tích, theo CNN. ATSB nhận được bức ảnh hồi tháng ba sau khi thương lượng để Bộ Quốc phòng Pháp công bố hình ảnh với độ phân giải gốc.
Dấu chấm đỏ cho thấy vị trí hình ảnh vệ tinh, trong khi khoảng màu xanh đậm là khu vực tìm kiếm máy bay Malaysia Airlines. Đồ họa: CNN. |
Hình ảnh được chụp ở khu vực phía Tây vùng tìm kiếm ban đầu. Các nhà khoa học hồi tháng 12 năm ngoái nói MH370 có thể ở khu vực này.
David Griffin, nhà hải dương học vật lý thuộc Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học khối Thịnh vượng chung của Australia (CSIRO), người giúp phân tích ảnh, cho rằng chúng có thể giúp chỉ ra vị trí của MH370 ở "mức độ chưa từng có", nếu chúng thực sự là mảnh vỡ máy bay. "Điều không thể nào biết chắc là liệu chúng có phải mảnh vỡ máy bay hay không", ông nói.
Trong thông cáo gửi kèm ảnh, lãnh đạo ATSB cho rằng cần xem xét một cách cẩn trọng. "Độ phân giải ảnh không đủ cao để chắc chắn rằng vật thể là của MH370 hay chỉ là những vật trôi nổi trên các đại dương khắp thế giới", ông nói.
Máy bay Malaysia Airlines cất cánh từ Kuala Lumpur sáng sớm 8-3, hướng về phía Bắc Kinh. Chỉ trong vòng vài giờ, nó dừng liên lạc và biến mất khỏi radar sau khi đột ngột đổi sang hướng Tây. Tổng cộng 227 hành khách và 12 thành viên tổ bay có mặt trên phi cơ khi nó mất tích.
Điều xảy ra sau đó với máy bay chưa bao giờ được xác nhận, dù cuộc tìm kiếm phi cơ đã tập trung vào vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Tây Australia. Những mảnh vỡ được xác nhận từ máy bay mất tích đã dạt lên bờ biển phía Đông Châu Phi trong vòng hai năm qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.