Thế giới

Anh tìm kiếm sự hỗ trợ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa

Kim Phượng 17/09/2024 - 07:44

Thủ tướng Anh Keir Starmer đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Italia Giorgia Meloni tại Rome (Italia) trong nỗ lực giành được sự ủng hộ việc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

screenshot_20240917_031754_messenger.jpg
Thủ tướng Anh Keir Starmer (trái) và Thủ tướng Italia Giorgia Meloni, trong cuộc họp báo tại Villa Pamphili ở Rome, Italia, ngày 16-9. Ảnh: Getty

Ukraine đang hy vọng nhận được sự cho phép sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Tuần trước, trong cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Starmer tại Washington (Mỹ), đã không có quyết định nào về vấn đề này được đưa ra. Theo các báo cáo, Anh đã quyết định cấp phép cho Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadows để tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga nhưng London vẫn muốn có sự hậu thuẫn của Mỹ và các quốc gia khác.

Vấn đề này cũng đã được đưa vào chương trình nghị sự tại Italia, nơi ông Starmer đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Giorgia Meloni.

Trong cuộc họp báo chung, cả hai nhà lãnh đạo đều được hỏi về các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa của Ukraine. Thủ tướng Meloni cho biết, bà ủng hộ quyết định của các đồng minh khi trao quyền cho Kiev, đồng thời nói thêm rằng Italia cam kết đảm bảo Ukraine có thể tham gia đàm phán hòa bình với Nga trong "những điều kiện tốt nhất".

Về phần mình, ông Starmer nhắc lại quyền tự vệ của Ukraine và tái khẳng định sự ủng hộ trong "cuộc chiến giành chủ quyền" của nước này.

Trong diễn biến liên quan, ngày 16-9, trong một cuộc phỏng vấn với Foreign Policy, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tuyên bố NATO sẽ không trở thành một bên trong cuộc xung đột ở Ukraine nếu các quốc gia thành viên cho phép Kiev tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí do phương Tây sản xuất. Ông cũng nói thêm, NATO không coi Iran và Triều Tiên là các bên tham gia vào cuộc xung đột liên quan đến cáo buộc viện trợ quân sự cho Mátxcơva.

Theo Tổng thư ký, NATO theo dõi chặt chẽ những gì Nga đang thực hiện trong thế trận hạt nhân của mình. "Cho đến nay, chúng ta chưa thấy bất kỳ thay đổi nào trong thế trận hạt nhân của họ đòi hỏi chúng ta phải thay đổi".

Trong khi đó, ngày 16-9, Tổng thống Nga Putin ra lệnh tăng quy mô quân đội Nga thêm 180.000 quân lên 1,5 triệu quân nhân tại ngũ - một động thái sẽ đưa quân đội Nga trở thành lực lượng quân đội lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Anh tìm kiếm sự hỗ trợ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.