Theo dõi Báo Hànộimới trên

Anh rời EU: Kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào?

Hương Thủy| 27/06/2016 15:06

(HNMO) – Theo chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) có thể khiến hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU có hẹp lại…


Tuần qua, kết quả trưng cầu dân ý về việc Anh sẽ rời hay ở lại EU đã có, và người dân Anh chọn nước này rời EU. Anh rời EU sẽ có tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam? PV HNMO đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu xung quanh vấn đề này.

-Thưa ông, việc Anh rời EU sẽ tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam?


- Việc Anh rời EU, tác động trung và dài hạn về mặt thương mại giữa Việt Nam và Anh sẽ là không lớn, do tỷ trọng xuất nhập khẩu của Việt Nam với Anh tương đối nhỏ, đầu tư của Anh vào Việt Nam cũng nhỏ.
Tuy nhiên, với EU thì lại khác, EU là đối tác mậu dịch đứng thứ hai của Việt Nam về xuất khẩu, chỉ sau Hoa Kỳ. Anh rời EU tức EU mất một trong những thành viên lớn, vì thế tình hình kinh tế EU có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Nếu kinh tế EU bị ảnh hưởng tiêu cực thì quan hệ mậu dịch, đầu tư giữa EU và Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Hàng của Việt Nam xuất khẩu sang EU có thể bị co hẹp lại, đầu tư của EU vào Việt Nam cũng có thể ít đi. Vì vậy, trong cả trung và dài hạn quan hệ mậu dịch giữa EU và Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

-Vậy các doanh nghiệp cần làm gì để đối phó với khó khăn này trong thời gian tới, thưa ông?

- Theo tôi, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu sang EU như da giày, dệt may, linh kiện điện tử, thủy sản, hàng nông sản cần mở rộng thị trường, tìm thị trường khác để dần thay thế, như thị trường châu Mỹ la tinh chẳng hạn. Việc mở rộng thị trường như vậy nhằm tránh rủi ro khi tập trung quá nhiều vào một thị trường. Bên cạnh đó, để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm từ hình thức (bao bì, mẫu mã sản phẩm) đến chất lượng.

-Việc Anh rời EU còn ảnh hưởng gì đến kinh tế Việt Nam nữa, thưa ông?

-Anh rời EU sẽ gián tiếp gây áp lực lên tỷ giá VND/USD. Vài ngày qua, tỷ giá NDT so với USD biến động. Nếu như ngày 24/6, 1 USD “ăn” 6,58 NDT thì sau đó đã lên  1 USD “ăn” 6,64 NDT. Còn nhớ năm ngoái, khi đồng NDT mất giá mạnh, Việt Nam đã phải phá giá VND theo để bảo vệ xuất khẩu. Nếu đợt này NDT tiếp tục mất giá sẽ tạo áp lực lớn cho tỷ giá, đây là điều đáng quan tâm.

-Theo ông, sự kiện Anh rời EU có thể ảnh hưởng đến việc chống vàng hóa và đô la hóa của Việt Nam?

-Có thể ảnh hưởng đến hai chính sách đó, hiện tỷ giá VND/USD bắt đầu xuất hiện áp lực từ sự kiện trên khi giá USD đã rục rịch tăng, vì vậy phải chờ xem Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp nào để ổn định tiền đồng. Còn giá vàng vừa qua đã tăng mạnh, đây là điều không thuận lợi cho việc chống vàng hóa. Giá vàng tăng cao, người dân có xu hướng trở lại với vàng và đây là xu hướng chung ở nhiều nước vì vàng có vai trò trú ẩn khi có khủng hoảng.

- Vậy trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước nên làm gì?


-Thời gian qua VND có ổn định tốt, các chính sách lãi suất về USD đã tạo sự ổn định cho tỷ giá nhưng ngay thời điểm này thị trường hối đoái bắt đầu có sự biến động. Theo tôi, cơ quan chức năng sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường thị trường hối đoái. Nếu tỷ giá tăng mạnh, cần xem xét tất cả những mặt lợi và không lợi ở nhiều khía cạnh để đưa ra quyết định hợp lý nhất. Nếu giữ VND ổn định có nhiều mặt lợi như: Lợi cho nhập khẩu, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nhưng bất lợi là hàng nhập khẩu sẽ trở nên rẻ hơn, từ đó làm tăng nhập siêu, khi nhập siêu tăng lên sẽ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, nhất là Việt Nam lệ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu. Nếu không điều chỉnh tỷ giá, hàng Việt Nam xuất ra nước ngoài sẽ đắt hơn, làm giảm tính cạnh tranh, khó khăn cho xuất khẩu.

-Theo ông, sau sự kiện  cử tri Anh ủng hộ Anh rời khỏi EU (Brexit), thời gian tới giá vàng sẽ còn tăng không?

- Tôi cho rằng, giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới vì biến động của Brexit không phải chỉ tại thời điểm này, mà là sự kiện có tác động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Không loại trừ một số quốc gia đang xem xét có thể rời  EU, vì thế vàng sẽ được nhà đầu tư tìm đến nhiều hơn trong thời gian tới, và với sức cầu vàng gia tăng tất yếu giá sẽ tăng.

Ảnh minh họa, nguồn: Internet)


-Vậy giá vàng thế giới sẽ tăng lên mức bao nhiêu, thưa ông?


- Giá tăng lên mức bao nhiêu là điều khó dự đoán nhưng tôi chắc chắn là giá còn tăng và giá vàng trong nước sẽ không nằm ngoài cuộc.

- Trong bối cảnh hiện nay, người có tiền nên đầu tư vào đâu, thưa ông?

- Theo tôi, hiện thị trường chứng khoán rất rủi ro, vì thế không nên đổ tiền vào chứng khoán thời điểm này.

Gửi tiết kiệm vẫn là tốt bởi kênh này an toàn và mức lãi suất cũng khá cao. Đầu tư vào vàng cũng là sự lựa chọn nhưng cần cẩn thận bởi thị trường này rất rủi ro, giá có thể biến động mạnh trong thời gian tới. Bất động sản là kênh đầu tư tốt lúc này bởi giá bất động sản đang được coi là hợp lý.

-Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Anh rời EU: Kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.