Thế giới

Doanh nghiệp Anh “vật lộn” với các quy định hậu Brexit

Thương Nguyệt 23/12/2024 - 11:29

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tại Anh vẫn đang gặp khó khăn do những quy định thương mại hậu Brexit, trong bối cảnh đã xuất hiện nỗ lực cải thiện mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU).

Cuộc khảo sát hơn 1.000 công ty thành viên của Phòng Thương mại Anh (BCC) cho thấy, chỉ 15% doanh nghiệp xác nhận doanh số bán hàng với EU gia tăng sau Thỏa thuận thương mại và hợp tác (TCA) với khối này hồi năm 2020. Trong khi đó, số doanh nghiệp không tăng doanh số chiếm 40%.

Trong bối cảnh khó khăn, hầu hết doanh nghiệp đều mong muốn được tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn, bao gồm cả việc cho phép cử nhân lực đến làm việc tại EU. Đây là lựa chọn nhận được sự ủng hộ từ gần 50% số doanh nghiệp.

Tổng Giám đốc BCC Shevaun Haviland nhận định, mối quan hệ chặt chẽ hơn với EU nhằm mục đích giải quyết các rào cản về thương mại có thể giúp bù đắp những tác động bởi mức thuế cao. Hồi cuối tháng 10, với nỗ lực đảo ngược tình trạng suy giảm của dịch vụ công trong hơn một thập kỷ, Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves đã công bố khoản tăng thuế lên đến 40 ​​tỷ bảng đối với các doanh nghiệp và người giàu.

haiquananheu.jpeg
Các rào cản thương mại với Liên minh châu Âu gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Anh. Ảnh: EU Parliament

Bà Shevaun Haviland đề nghị tiến hành đàm phán một thỏa thuận cho phép người lao động EU đến Anh làm việc và ngược lại. Đây cũng là mong muốn của các quốc gia thuộc EU nhưng chính phủ Anh đến nay vẫn kiên quyết bác bỏ.

BCC cũng chỉ ra nguy cơ xung đột thương mại có thể gia tăng hơn nữa nếu EU tiếp tục thay đổi các quy định và Anh từ chối tuân thủ. Cuộc khảo sát cho thấy, 77% doanh nghiệp không nắm rõ các quy định mới của EU về an toàn và an ninh - những yếu tố sẽ tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang khối này kể từ đầu năm 2025.

Theo một nghiên cứu do Trung tâm Hiệu suất kinh tế thuộc Trường Kinh tế London công bố gần đây, 2 năm sau khi TCA có hiệu lực, các doanh nghiệp xuất khẩu Anh thiệt hại 27 tỷ bảng. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi những rào cản thương mại mới.

Một hậu quả khác của Brexit là sự di cư của lao động có tay nghề khi nhóm này trở về châu Âu trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và không quay trở lại. Katie O'Cearbhaill, Giám đốc Tài chính của công ty xây dựng Excelsior Land, cho biết tình trạng thiếu lao động trong ngành xây dựng đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng kể từ Brexit.

Người phát ngôn của chính phủ Anh nêu rõ, quốc gia này đang nỗ lực thiết lập lại mối quan hệ với EU để bảo đảm một hiệp ước an ninh và giải quyết rào cản thương mại. Tuy nhiên, những vấn đề như liên minh thuế quan, thị trường chung hoặc quyền tự do đi lại đều không nằm trong kế hoạch.

EU là đối tác thương mại quan trọng với Anh. Năm 2023, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giữa hai bên đạt 356 tỷ bảng, chiếm 42% tổng kim ngạch xuất khẩu của Anh. Nhập khẩu từ EU vào Anh ở mức 466 tỷ bảng, tương đương 52% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này.

Mối quan hệ thương mại giữa Anh - EU về cơ bản đã thay đổi sau sự kiện Brexit. Quốc gia này hiện nằm ngoài thị trường chung và liên minh thuế quan của khối (gồm 27 thành viên).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp Anh “vật lộn” với các quy định hậu Brexit

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.