Theo dõi Báo Hànộimới trên

Anh đang đứng trước nguy cơ "quốc hội treo"

Theo TTXVN| 07/05/2010 14:24

Kết quả các cuộc thăm dò ngoài phòng bỏ phiếu công bố cuối ngày 6/5 trên hãng tin BBC, ITV News và Sky News cho thấy không có đảng nào trong ba đảng lớn ở Anh giành được đa số ghế tối thiểu là 326 ghế trong tổng số 650 ghế quốc hội để tự đứng ra thành lập chính phủ.

Kết quả các cuộc thăm dò ngoài phòng bỏ phiếu công bố cuối ngày 6/5 trên hãng tin BBC, ITV News và Sky News cho thấy không có đảng nào trong ba đảng lớn ở Anh giành được đa số ghế tối thiểu là 326 ghế trong tổng số 650 ghế quốc hội để tự đứng ra thành lập chính phủ.



Lãnh đạo Đảng Bảo thủ đối lập David Cameron (phải) cùng phu nhân sau khi bỏ phiếu tại điểm bầu cử ở Spelsbury. (Nguồn: AFP/TTXVN)


Nếu những kết quả này được khẳng định, Quốc hội mới của Anh sẽ là "quốc hội treo" và đây là lần đầu tiên kể từ năm 1974, Quốc hội Anh rơi vào tình trạng này.

Kết quả thăm dò cử tri tại 130 địa điểm bỏ phiếu trên khắp nước Anh cho thấy đảng Bảo thủ đối lập vẫn dẫn đầu với 305 ghế, Công đảng cầm quyền về thứ hai với 255 ghế và đảng Dân chủ Tự do được 61 ghế.

Các đảng nhỏ chiếm 29 ghế còn lại. Còn theo kết quả kiểm phiếu ở 65 khu vực bầu cử tính đến sáng 7/5, Công đảng đang dẫn đầu với tỷ lệ phiếu bầu bình quân 30,9%, giành 31 ghế, đảng Bảo thủ được 26,9%, giành 16 ghế và đảng Dân chủ Tự do được 17,8% phiếu bầu, giành được bốn ghế.

Đương kim Thủ tướng Anh Gordon Brown cũng đã giành chiến thắng tại khu vực bầu cử của mình.

Kết quả cuối cùng cuộc bầu cử Anh sẽ được công bố vào cuối ngày 7/5, tức đêm 7/5 theo giờ Hà Nội.

Trong trường hợp kết quả các cuộc thăm dò ngoài phòng bỏ phiếu trùng với kết quả cuối cùng thì đảng Bảo thủ có thể thành lập chính phủ thiểu số thông qua việc liên kết với một số đảng nhỏ mà không cần phải có sự thỏa hiệp của đảng Dân chủ Tự do.

Tuy nhiên, Công đảng với tư cách là đảng cầm quyền vẫn có quyền đứng ra thành lập chính phủ trước nếu đảng Dân chủ Tự do chấp nhận liên minh.

Dù vậy, liên minh Công đảng-Dân chủ Tự do cũng không đủ số ghế quá bán cần thiết và sẽ khó có thể tồn tại.

Các nhà phân tích nhận định chỉ trong trường hợp đảng Bảo thủ giành không quá 300 ghế thì đảng Dân chủ Tự do mới chấp nhận liên minh với Công đảng.

Nếu đảng Bảo thủ giành được 320 ghế, bằng phiếu bầu hoặc bằng liên kết với các đảng nhỏ, thì chắc chắn chính phủ liên minh giữa Công đảng và Dân chủ Tự do sẽ không thể tồn tại.

Theo Ủy ban Bầu cử Anh, có 44.000 cử tri đã đăng ký đi bỏ phiếu. Tuy nhiên, hiện chưa có số liệu chính thức về tỷ lệ cử tri đã đi bỏ phiếu.

Tại một số khu vực bầu cử, số cử tri đi bỏ phiếu đạt con số khá cao 80%, mức cao nhất trong 20 năm qua.

Theo dự tính, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần này có thể đạt 70%.

Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đông đã dẫn đến tình trạng hàng nghìn cử tri không thể bỏ được phiếu, trong số đó có khoảng 500 cử tri tại khu vực bầu cử Sheffield Hallam, 200 cử tri tại (Unsít) Woodseat, 600 cử tri tại Chester, 300 cử tri tại Lewisham,...

Cử tri tại một số khu vực bầu cử cũng đã xung đột với quan chức phụ trách bầu cử hay thậm chí chặn đường không cho đưa thùng phiếu bầu ra khỏi điểm bầu cử.

Các quan chức Ủy ban Bầu cử Anh cho biết việc quá nhiều cử tri không thể bỏ được phiếu do các điểm bầu cử không đáp ứng được nhu cầu có thể dẫn tới việc sẽ phải tổ chức các cuộc bầu cử phụ trong vài tuần tới, và điều này sẽ ảnh hưởng tới kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử.

Hiện ủy ban bầu cử và lực lượng giám sát bầu cử tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra về thực trạng này để có kết luận cuối cùng.

Trong ngày bầu cử 6/5, cử tri Anh đã đi bỏ phiếu bầu nghị sỹ tại 649 khu vực bầu cử.

Riêng việc bỏ phiếu tại khu vực bầu cử "Thirsk and Malton," thuộc vùng England, bị hoãn lại tới ngày 27/5 do một ứng cử viên bị chết trong thời gian gian diễn ra chiến dịch tranh cử./.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Anh đang đứng trước nguy cơ "quốc hội treo"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.