(HNM) - Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2016 lượng vốn ĐTNN đã đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm trước, cao nhất từ trước đến nay.
Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn có khả năng hoạt động vào năm 2017. |
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, kết quả giải ngân gần như tăng liên tục qua các năm, từ mức 9,95 tỷ USD năm 2010 lên tới 15,8 tỷ USD năm 2016 (trừ năm 2012 giảm nhẹ). Đạt được kết quả trên là do chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam được quan tâm, cải thiện một cách thực chất, hướng tới những giá trị cốt lõi và với tinh thần vì doanh nghiệp (DN) kết hợp với sự ổn định về thể chế, tình hình chính trị. Từ đó, bảo đảm lòng tin dài hạn của nhà đầu tư quốc tế đối với tương lai đồng vốn của họ tại Việt Nam. Kết quả giải ngân cho thấy, việc huy động vốn để triển khai các dự án cụ thể của giới đầu tư quốc tế tại Việt Nam là một nhu cầu liên tục, với mục tiêu mở rộng quy mô làm ăn tại Việt Nam và dựa trên niềm tin ngày càng được củng cố, gia tăng về tương lai của nền kinh tế nước ta.
Mặc dù Chính phủ đang chủ trương tăng cường chất lượng các dự án đăng ký mới, bảo đảm tiêu chí về công nghệ kết hợp bảo vệ môi trường và nhấn mạnh yếu tố chất lượng thay vì số lượng, nhưng kết quả giải ngân vẫn gia tăng khá mạnh. Thực tế này thể hiện quyết tâm gắn bó với thị trường Việt Nam, trong đó được minh chứng qua sự hiện diện của những tập đoàn lớn, có công nghệ cao, mang tầm vóc toàn cầu như Samsung, LG, Microsoft…
Đó là những tác nhân góp phần quan trọng vào quá trình chuyển dịch về chất cũng như tái cơ cấu và bổ sung sức cạnh tranh kinh tế theo hướng hiện đại và hội nhập của nền kinh tế đất nước. Đặc biệt, thời gian qua, các dự án của LG tại Hải Phòng, Samsung tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đã giải ngân xấp xỉ 3,5 tỷ USD, dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn hơn 2 tỷ USD... Đây là những dự án quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân. Ngoài ra, cũng có sự đóng góp của những dự án có quy mô nhỏ, nhưng giữ vai trò là vệ tinh, liên kết giữa các đơn vị sản xuất, kinh doanh.
Nhờ kết quả giải ngân này, thời gian tới, nền kinh tế sẽ đón nhận thêm một số dự án đi vào hoạt động như: Dự án sản xuất máy giặt, máy lạnh, ti vi màn hình phẳng LG tại Hải Phòng; Samsung tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh... Các chuyên gia cho rằng, giá trị gia tăng của các dự án này cao hơn so với ngưỡng trung bình, cung cấp nhiều sản phẩm cho thị trường, giúp giá trị xuất khẩu nhiều chủng loại sản phẩm tăng lên.
Đặc biệt, với tiến độ giải ngân tăng liên tục thì dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn có khả năng đi vào hoạt động năm 2017 sẽ là dự án quan trọng, tạo ra những nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp nhẹ, giúp giảm kim ngạch nhập khẩu và tình trạng phụ thuộc nguồn nguyên liệu nước ngoài.
Triển vọng giải ngân vốn ĐTNN còn sáng hơn bởi có thể được bổ sung thêm một số dự án năng lượng quy mô lớn về vốn (hơn 2 tỷ USD/dự án) được cấp phép trong vài tháng tới và điều đó cũng có nghĩa là nhà đầu tư sẽ tiến hành giải ngân từng bước ngay trong năm nay. Cụ thể, đó là các ứng cử viên “nặng ký” như dự án Nghi Sơn 2, Vũng Áng 2 và Vân Phong 1.
Theo TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN ĐTNN, mức giải ngân nói trên là khả quan và là điều kiện tốt để tăng kế hoạch giải ngân lên 20 tỷ USD vào năm 2020. Điều cần quan tâm, chú trọng là lựa chọn được dự án ĐTNN phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam bên cạnh việc ưu tiên phát triển công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, đầu tư vào khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.