Theo dõi Báo Hànộimới trên

An toàn, vệ sinh lao động trong khu vực kinh tế tập thể Hà Nội: Vẫn bị xem nhẹ

Đỗ Tâm| 15/12/2014 06:20

(HNM) - Những năm gần đây, khu vực kinh tế tập thể TP Hà Nội - nòng cốt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, đã có sự phát triển đáng ghi nhận.



Nhiều DN, HTX đã đổi mới phương thức hoạt động, đầu tư nhiều lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh mới, thu hút lao động, giải quyết việc làm, tăng thêm sản phẩm tiêu dùng cho xã hội… Tuy nhiên, vấn đề an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) lại chưa được quan tâm đúng mức.

Bảo đảm ATVSLĐ là hết sức quan trọng bởi liên quan đến tính mạng người lao động, năng suất, chất lượng sản phẩm và là yêu cầu số một. Hệ thống pháp luật của nước ta đã có những quy định cụ thể, nghiêm ngặt về bảo hộ lao động, ATVSLĐ. Chính phủ, các bộ, ngành chức năng, các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cũng có nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết việc thực hiện, trong đó đáng chú ý là Thông tư số 01/TTLT ngày 10-1-2011 của Liên bộ LĐ,TB&XH - Y tế về hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ trong cơ sở lao động. Những năm gần đây, năm nào Bộ LĐ,TB&XH cũng tổ chức Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ nhằm tăng cường trách nhiệm của DN và bản thân người lao động, tuy nhiên, do những đặc thù riêng nên việc bảo đảm ATVSLĐ trong khu vực kinh tế tập thể vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Nông dân đã quan tâm hơn đến bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Giang Sơn


Theo số liệu của Liên minh HTX Hà Nội, đến tháng 11-2014, toàn thành phố có 1.723 HTX, hoạt động trên các lĩnh vực như nông nghiệp, CN-TTCN, thương mại - dịch vụ, vận tải, xây dựng… với gần 1,2 triệu thành viên, người lao động. Thế nhưng trên thực tế, công tác ATVSLĐ mới chỉ được thực hiện ở những DN, HTX hoạt động có nền nếp, tập trung hoặc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng có yêu cầu bắt buộc, liên quan trực tiếp. Từ lãnh đạo, cán bộ nhân viên đến người lao động tại hầu hết DN, HTX đều chưa nắm được các quy định của Nhà nước, chưa hiểu đúng vai trò, ý nghĩa và lợi ích của công tác ATVSLĐ. Nhiều DN, HTX chưa thực hiện đầy đủ các quy định về công tác ATVSLĐ đối với người lao động. Nội dung các quy định, quy trình, kế hoạch ATVSLĐ của DN, HTX nếu có cũng còn thiếu hoặc chung chung. Nhiều DN, HTX không đầu tư, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ bảo hộ lao động…

Là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể thành phố, từ năm 2011 đến nay, Liên minh HTX Hà Nội đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác ATVSLĐ cho các DN, HTX trên địa bàn như biên soạn, in ấn tài liệu; phối hợp tổ chức 47 lớp đào tạo, huấn luyện, 47 đợt thực hành về ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động; điều tra, khảo sát đánh giá môi trường, điều kiện làm việc của người lao động tại 239 DN, HTX; thanh tra, kiểm tra, cung cấp thông tin và tư vấn cho 36 DN, HTX để thúc đẩy cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và các bệnh nghề nghiệp… Tuy nhiên, số DN, HTX được hỗ trợ chưa nhiều, kết quả so với yêu cầu còn hạn chế. Mặc dù tại hội nghị sơ kết Chương trình quốc gia về công tác ATVSLĐ trong khu vực kinh tế tập thể của thành phố giai đoạn 2011-2014, lãnh đạo nhiều DN, HTX như CLB Nhựa Hà Nội, Công ty Bách Khoa, HTX CN-TTCN Song Phượng, HTX Vận tải Nội Bài, HTX Nông nghiệp Đông Dư, HTX Nhà ở Thụy Điển, HTX Dịch vụ thương mại chợ Quốc Oai… đã đánh giá cao hiệu quả các lớp tập huấn về ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ do Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp Hà Nội (Liên minh HTX thành phố) phối hợp tổ chức. Các đơn vị cũng mong muốn hoạt động này được tiến hành thường xuyên hơn, song nếu cơ sở còn xem nhẹ, thiếu quan tâm thì hiệu quả không thể cao được.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Nguyễn Trung Thành, thành viên Ban Chỉ đạo thành phố về công tác ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ, cho biết: Điều quan trọng có tính quyết định để công tác bảo đảm ATVSLĐ được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trong khu vực kinh tế tập thể là nâng cao nhận thức của lãnh đạo DN, HTX và người lao động. Bởi việc bảo đảm ATVSLĐ chính là động lực để phát triển. Năm 2015, cùng với nâng cao chất lượng các hoạt động huấn luyện, tư vấn, hỗ trợ, Liên minh HTX TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giúp các DN, HTX và người lao động chủ động trong việc thực hiện và tự kiểm tra ATVSLĐ tại đơn vị, đưa công tác này ngày càng đi vào nền nếp, thực chất và phát huy được hiệu quả cao hơn.

Kết quả điều tra, khảo sát đánh giá môi trường, điều kiện làm việc của người lao động tại 239 DN, HTX của Liên minh HTX thành phố cho thấy, chỉ có 33,9% đơn vị có thành lập bộ phận ATVSLĐ; 23,4% đơn vị tổ chức đội cấp cứu cơ sở; 40,5% đơn vị có nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ; 13,4% đơn vị thực hiện khám sức khỏe cho người lao động; 45,6% đơn vị có trang bị các thiết bị bảo hộ lao động… Khu vực kinh tế lớn nhất là nông nghiệp, khi thực hiện các dịch vụ, các HTX nông nghiệp chỉ quan tâm nhất định đến bảo đảm an toàn cho người lao động trong sử dụng máy nông nghiệp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, còn đối với các công việc khác như làm đất, thủy lợi, thu hoạch… chưa chú ý.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
An toàn, vệ sinh lao động trong khu vực kinh tế tập thể Hà Nội: Vẫn bị xem nhẹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.