Theo dõi Báo Hànộimới trên

An toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống: Còn nhiều nỗi lo

Mộc An| 18/10/2020 05:54

(HNNN) - Với gần 500 chợ lớn nhỏ cung cấp hàng hóa thực phẩm, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, chợ truyền thống vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới phân phối hàng hóa, phục vụ người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ truyền thống vẫn còn nhiều nỗi lo.

Khách hàng chọn mua hoa quả tại chợ Xanh, Văn Quán (quận Hà Đông, Hà Nội).

Khó khăn chồng chất

Một thực tế dễ nhận thấy tại các chợ truyền thống hiện nay, đó là tình trạng bày bán sản phẩm không khoa học. Đơn cử, các quán, hàng ăn vặt như bún đậu, xôi, chè... có thể xen lẫn với bất cứ gian hàng bày bán các loại hàng khác như quần áo hay đồ gia dụng. Chưa kể, do thói quen đã hình thành từ lâu nên hầu hết người bán hàng đều không dùng găng tay nilon khi chế biến đồ ăn cho khách; hầu hết các hàng bán thực phẩm chín trong chợ không bảo đảm yêu cầu có tủ kính, có nắp che...

Tại các chợ truyền thống khá phổ biến tình trạng thực phẩm tươi sống được bày bán mà không có tủ bảo quản. Thậm chí có nơi, các sản phẩm thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thịt vịt... được bày bán mà không có dấu kiểm dịch động vật của cơ quan chức năng. Tình trạng gia cầm tươi sống được bày bán bên cạnh các gian hàng bán đồ ăn chín, đồ chế biến sẵn vẫn tồn tại, bất chấp các quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chẳng hạn, tại chợ Hà Đông, bên cạnh các ki ốt bán đồ ăn tại chỗ phục vụ thực khách như bún, cháo, chè... là một loạt lồng đựng hàng trăm gia cầm sống trên nền đất đọng nước, bốc mùi khó chịu.

Ngoài bức tranh chung về tình trạng vệ sinh không tốt, vấn đề nguồn gốc hàng hóa tại chợ truyền thống cũng là điều cần nhắc tới. Theo đó, khi hỏi về nguồn gốc hàng hóa tại chợ, phóng viên đều nhận được câu trả lời khá dập khuôn của các tiểu thương, đó là nhập hàng từ công ty, từ cơ sở sản xuất kinh doanh lớn nào đó. Tuy nhiên, khi quan sát, dễ nhận thấy nhiều sản phẩm được bày bán tại đây đều ở tình trạng không nhãn mác, không nguồn gốc, xuất xứ, thành phần và không có thời hạn sử dụng.

Ngay cả ở chợ Đồng Xuân, nhiều chủ cửa hàng đã nhập lượng hàng lớn không rõ nguồn gốc rồi đóng gói vào các hộp nhựa, sau đó tự gắn nhãn mác vào nhưng không có tên công ty, địa chỉ sản xuất. Đáng nói, tại không ít sạp hàng, ki ốt, trên nền đất bẩn, ướt át, nhiều mặt hàng hoa quả sấy dẻo, ướp đường đựng trong túi nilon lớn được mở bung ra, thu hút ong, ruồi bâu lại. Không những thế, với bàn tay trần, cả người mua và người bán thoải mái bốc bải, sờ nắn xem hàng và ăn thử, rất mất vệ sinh.

Có một thực tế là dù có khá nhiều lực lượng tham gia vào công tác quản lý như cơ quan quản lý thị trường, kiểm dịch, các ban quản lý chợ, cơ quan thuế, chính quyền địa phương..., song vẫn khó kiểm soát tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Vẫn có rất nhiều vụ vi phạm quy định bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được người dân hoặc cơ quan báo chí phát hiện.

Cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt

Chợ truyền thống vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới phân phối hàng hóa, phục vụ người tiêu dùng.

Dù dễ dàng trả lời câu hỏi của phóng viên về nguồn gốc sản phẩm là thịt được nhập từ các địa chỉ uy tín, song khi nhận được câu hỏi cụ thể về địa chỉ của cơ sở giết mổ, chị Đặng Thanh Mai, tiểu thương chợ Thành Công (Hà Nội) chỉ có thể khẳng định hàng được nhập từ lò mổ ở huyện Thanh Trì, còn địa chỉ cụ thể ra sao thì chị không nắm được. “Tôi cũng nhập lại hàng từ các đầu mối nên chỉ quan tâm đến giá cả, còn trước đó lợn được nhập ở đâu về thì tôi không để ý”, chị Mai cho biết.

Đây có lẽ là thực tế đang tồn tại ở rất nhiều chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội khi cả người bán và người mua đều ít quan tâm tới nguồn gốc sản phẩm. Chia sẻ về những khó khăn trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ, ông Ngô Đình Loát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội thừa nhận, hiện hệ thống quản lý, thanh tra, kiểm tra và kiểm nghiệm tại các chợ chưa được kiện toàn, thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị kiểm tra, xét nghiệm nhanh tại chỗ. Bên cạnh đó, việc triển khai lấy mẫu xét nghiệm cũng đang gặp nhiều khó khăn.

“Để phát hiện độc tố, hóa chất... đòi hỏi quy trình lấy mẫu kiểm định hết sức phức tạp, chi phí lớn, thời gian kéo dài. Thêm vào đó, các hộ kinh doanh được yêu cầu lấy mẫu thực phẩm kiểm tra do nghi ngờ chất lượng kém, phải tạm dừng kinh doanh nên nhiều hộ đã phản ứng và cho rằng cơ quan chức năng đang làm khó đối với họ”, ông Loát chia sẻ.

Tương tự, theo ông Nguyễn Duy Hiếu, Phó Trưởng ban quản lý chợ Yên Xá (huyện Thanh Trì, Hà Nội) khẳng định, khi phát hiện thực phẩm không bảo đảm an toàn, Ban quản lý chợ cũng chỉ có thể lập biên bản rồi báo với các cơ quan chức năng tiến hành xử phạt hành chính đối với tiểu thương chứ không thể làm gì hơn, bởi “quy định là vậy”!

Ông Trần Quốc Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Thống Nhất (đơn vị quản lý chợ Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, Ban quản lý chợ sẽ thường xuyên tuyên truyền để nâng cao trách nhiệm của người kinh doanh thực phẩm tại chợ, khuyến khích tiểu thương ký cam kết không buôn bán hàng hóa không bảo đảm chất lượng. “Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tăng cường nhân lực kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đồng thời đầu tư trang thiết bị phục vụ việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa ra vào các chợ. Theo tôi, đây là biện pháp khả thi trong thời điểm này”, ông Cường cho hay.

Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ truyền thống, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nêu ý kiến: Cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, quan trọng nhất là phát huy vai trò chỉ đạo của các cấp chính quyền, song song với đó, cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền và ký cam kết đối với các hộ kinh doanh. Ban quản lý các chợ cần tăng cường kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc hàng thực phẩm ra vào chợ, đầu tư trang thiết bị phục vụ cho việc kiểm tra, xét nghiệm, lấy mẫu phân tích. Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. “Bên cạnh đó, cần cải tạo, nâng cấp hệ thống điện, nước để phục vụ cho các hộ kinh doanh; tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ cho đội ngũ cán bộ quản lý và các hộ kinh doanh để nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm”, ông Sơn khẳng định.

Với nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa tại các chợ truyền thống, hy vọng trong thời gian tới vấn đề an toàn thực phẩm sẽ được kiểm soát tốt hơn, mang lại lợi ích cho cả phía kinh doanh và người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
An toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống: Còn nhiều nỗi lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.