(HNMCT) - Thông tin trên báo chí mới đây cho biết, theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý I/2021, có tới 30 tỉnh, thành phố có số vụ tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có 16 tỉnh, thành phố tăng trên 30%. Đáng lo ngại hơn khi nhiều vụ tai nạn thảm khốc lại liên quan tới phương tiện cơ giới là xe tải, xe khách dù đã có nhiều quy định nhằm kiểm tra, giám sát chặt chẽ loại hình kinh doanh có điều kiện này.
Nhớ lần đi đăng kiểm ô tô gần đây, tình cờ chứng kiến một lái xe đưa xe tải đi đăng kiểm ú ớ, không hiểu yêu cầu phải kết nối thiết bị giám sát hành trình của phương tiện với các cơ quan có liên quan để kiểm tra, đăng kiểm mới thấy không ít doanh nghiệp, lái xe còn thiếu ý thức, thậm chí xem nhẹ, coi thường quy định này. Thật nguy hiểm khi phương tiện có thiết bị giám sát hành trình nhưng không được kết nối để các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe được sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải và được kết nối, chia sẻ với các cơ quan chức năng để thực hiện quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự, thuế...
Thế nhưng, trên thực tế, vẫn còn không ít phương tiện không truyền dữ liệu tới cơ quan chức năng theo quy định dù mức phạt dành cho hành vi này theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP là rất cao. Và việc lắp thiết bị theo kiểu đối phó, lắp đặt "cho có", không được kết nối thường xuyên với cơ quan quản lý, giám sát (dù với bất cứ lý do gì) thì hiệu quả quản lý, đảm bảo an toàn giao thông sẽ bằng không khi… xảy ra sự cố.
Cũng theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP, trước ngày 1-7-2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe khi lưu thông. Camera phải đặt tại các vị trí có thể quan sát lái xe và cửa lên xuống xe. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan chức năng để bảo đảm giám sát công khai, minh bạch nhằm ngăn ngừa xe chở quá tải, nhồi nhét khách…
Được biết, giữa năm 2020, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã kiến nghị lùi thời gian lắp camera 2 năm do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19 nhưng không được chấp thuận. Tuân thủ quy định là cần thiết dù tốn kém vì mục đích tối thượng chính là bảo đảm an toàn cho lái xe, hành khách và xã hội.
Thêm thiết bị là thêm “tai mắt” cho chính doanh nghiệp và cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn giao thông và các quy định khác về quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp và phương tiện... Vấn đề đặt ra là sau lắp đặt, việc kết nối, quản lý, giám sát sẽ được thực hiện thế nào để duy trì tính thường xuyên, liên tục nhằm bảo đảm an toàn, ngăn ngừa tai nạn, sự cố, chứ không phải để kiểm tra, giám sát, phân tích khi… "sự đã rồi" (dù việc này cũng hết sức cần thiết). Vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm vì cộng đồng của mọi doanh nghiệp và mọi lái xe hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm, trong đó có vi phạm về lắp đặt, sử dụng thiết bị giám sát hành trình. Bởi nói gì thì nói, đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải và phương tiện giao thông, vấn đề an toàn cho cộng đồng, xã hội luôn phải được đặt lên hàng đầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.