An toàn thực phẩm

Mạnh tay xử lý cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Quỳnh Dung 24/08/2024 - 06:41

Từ đầu năm đến nay, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm.

Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuy lớn nhưng nhỏ lẻ, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm. Để hạn chế các vụ ngộ độc, các ngành chức năng kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

kiem-tra.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Hà Nội kiểm tra nguồn gốc hàng hóa tại một cơ sở kinh doanh ở huyện Thanh Oai.

Số lượng lớn, quy mô nhỏ lẻ

Trưởng phòng Y tế thị xã Sơn Tây Phạm Hùng Sơn thông tin, trên địa bàn thị xã có 1.719 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; 4 siêu thị và 10 chợ. Trong đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực y tế quản lý là 741 cơ sở (12 cơ sở sản xuất, 601 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 128 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố). Để không xảy ra ngộ độc thực phẩm, từ đầu năm đến nay, thị xã và các xã, phường đã thành lập các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm liên ngành và chuyên ngành, đoàn giám sát an toàn thực phẩm, tăng cường kiểm soát thực phẩm lưu thông trên thị trường và các loại thực phẩm có mức tiêu thụ cao. Theo đó, các đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra, giám sát được 1.270 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, xử lý vi phạm 24 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 216 triệu đồng.

Tương tự, Trưởng phòng Y tế huyện Thanh Trì Trần Văn Trung cho biết, trên địa bàn huyện có tổng số 6.874 cơ sở thực phẩm, trong đó, ngành Y tế quản lý 1.604 cơ sở. Từ đầu năm đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã kiểm tra 1.111 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, xử phạt hành chính 33 cơ sở với số tiền 177,79 triệu đồng. Qua kiểm tra thực tế, cơ bản các cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành điều kiện về an toàn thực phẩm; nhận thức tốt hơn quy định bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, một số cơ sở vi phạm quy định về hành vi sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay; không có ủng hoặc giày, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Nguyên nhân xảy ra vi phạm là do trên địa bàn các huyện, thị xã còn nhiều hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, địa điểm sản xuất, kinh doanh không cố định, chưa đăng ký kinh doanh. Một số cơ sở tạm dừng, thậm chí có những cơ sở ngừng hoạt động, nhưng không báo chính quyền địa phương và cơ quan quản lý chuyên môn nên khó khăn cho công tác thống kê, theo dõi, quản lý. Nguồn nhân lực phụ trách công tác an toàn thực phẩm tuyến huyện và xã, thị trấn còn làm việc theo chế độ kiêm nhiệm hoặc luân chuyển, nghỉ việc nên gặp khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Đồng thời, việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, đặc biệt trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý. Nhận thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm về an toàn thực phẩm có chuyển biến nhưng còn hạn chế; ý thức lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng còn tùy tiện, dễ dãi, tạo điều kiện cho thực phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường; trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhất là quy mô nhỏ lẻ đối với sức khỏe cộng đồng chưa cao…

Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm

Hiện nay, vấn đề quản lý an toàn thực phẩm tuy chuyển biến tích cực nhưng vẫn xuất hiện tình trạng vi phạm. Từ nay đến cuối năm, nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân tăng cao. Để giám sát chặt chẽ an toàn thực phẩm, theo Trưởng phòng Y tế huyện Gia Lâm Bùi Thu Hường, huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân và các tổ chức, cá nhân về an toàn thực phẩm; chú trọng lựa chọn nội dung, chủ đề, chủ điểm, hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp từng nhóm đối tượng. Cùng với đó, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, chú trọng kiểm tra bếp ăn tập thể; kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm; thông báo công khai kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết và giám sát…

Còn Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Tráng cho biết, từ nay đến cuối năm, huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan, như: Phòng Kinh tế, Đội Quản lý thị trường số 23, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện… tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Huyện đang triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Trung thu năm 2024; phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội tổ chức lớp tập huấn cho Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm các cấp; cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống; người quản lý và trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, căng tin trong trường học.

Từ nay đến cuối năm, nhu cầu sử dụng thực phẩm tươi sống, thức ăn đường phố ở các nhà hàng ăn uống, bữa ăn đông người, bếp ăn tập thể, khu du lịch… có xu hướng tăng cao. Để không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, các địa phương cần tăng cường phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình. Đặc biệt, các địa phương chú trọng biện pháp giám sát, hướng dẫn phù hợp đối với dịch vụ nấu ăn lưu động, liên hoan, tiệc cưới, đám giỗ đông người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mạnh tay xử lý cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.