Góc nhìn

An toàn, chất lượng, bền vững

Bắc Vũ 04/08/2023 - 06:14

Nông dân cả nước đang đón nhận những tin vui khi nhiều loại nông sản, thực phẩm vào vụ thu hoạch đều “được mùa, được giá”.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong tháng 7-2023, giá lợn hơi, gia cầm - hai mặt hàng thực phẩm thiết yếu trong mỗi mâm cơm gia đình - tăng nhẹ. Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi tăng 3.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 62.000-64.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá gà thịt lông màu ngắn ngày ở miền Bắc tăng 3.000 đồng/kg, lên mức 51.000 đồng/kg; miền Trung tăng 5.000 đồng/kg, lên mức 52.000 đồng/kg; miền Nam tăng 13.000 đồng/kg, lên mức 51.000-52.000 đồng/kg…

Đáng chú ý nhất là mặt hàng lúa gạo. Trước việc một số nước hạn chế xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Nga, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE)…, nhiều quốc gia đã chuyển hướng tìm kiếm đơn hàng nhập khẩu gạo của Việt Nam. Nhờ vậy, mặt hàng gạo của Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể cả về chất và lượng trong 7 tháng của năm 2023 với sản lượng đạt 4,84 triệu tấn, giá trị 2,58 tỷ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng quan tâm là giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 539 USD/tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2022.

Mặt hàng rau, quả cũng là điểm sáng của ngành Nông nghiệp khi trong 7 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3,25 tỷ USD, tăng 68,8% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt giá trị xuất khẩu rau, quả khoảng 3,16 tỷ USD của cả năm 2022. Nếu ngành rau, quả giữ vững đà xuất khẩu cho đến cuối năm, kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể đạt 5 tỷ USD.

Phải khẳng định, giá trị kim ngạch xuất khẩu một số nông sản, thực phẩm tăng cao do giá cả tốt và chất lượng các mặt hàng bảo đảm tiêu chí của nước nhập khẩu cũng như thị trường trong nước. Như vậy, đây là cơ hội “vàng” cho người nông dân và ngành Nông nghiệp tăng quy mô sản xuất, sản lượng và giá trị thu nhập. Tuy nhiên, đi kèm với đó là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết thật tốt những vấn đề “muôn thuở” của ngành Nông nghiệp là quy hoạch vùng nuôi trồng phù hợp và bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm.

Theo đó, việc quan trọng hiện nay là mỗi vùng, mỗi địa phương cần định hướng quy hoạch và kêu gọi nông dân tôn trọng, tuân thủ quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, cần quan tâm kêu gọi liên kết sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung để có thể quản lý được sản lượng; khắc phục điểm yếu trong xây dựng liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, bảo đảm cho việc tiêu thụ nông sản được ổn định cả về sản lượng và giá cả.

Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường chỉ đạo sản xuất, định hướng thị trường; khuyến cáo nông dân thực hiện tốt các hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Việc sản xuất theo nhu cầu cần được thực hiện từng bước, căn cứ vào nhu cầu tiêu dùng thực tế, không sản xuất ồ ạt, tự phát.

Ở góc độ người nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp, cần tìm hiểu kỹ nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường nói chung trước khi sản xuất và khi bán hàng, phải xác định rõ sản phẩm thế mạnh của mình là gì, ai cần nó… Và vấn đề quan trọng hơn hết là phải sản xuất an toàn, tạo ra sản phẩm uy tín, chất lượng cao. Nói cách khác, trong sản xuất, nông dân phải tính chuyện lâu dài, nếu không cũng sớm muộn lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn là “giải cứu nông sản” hay điệp khúc “được mùa, mất giá”, “chặt - trồng, trồng - chặt”…

Suy cho cùng, giá trị, sản lượng của nông sản có phát triển bền vững hay không là phụ thuộc vào việc sản phẩm làm ra có an toàn, chất lượng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hay không.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An toàn, chất lượng, bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.