(HNMO) - "Từ số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 10 tháng qua có 4.161 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố... Từ đó cho thấy, chúng ta đang phải đối mặt với các cuộc tấn công mạng ngày càng nguy hiểm, tinh vi hơn; đồng thời phải coi bảo đảm an toàn, an ninh mạng là yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững".
Thông tin trên được ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề cập tại hội thảo và triển lãm quốc tế về An toàn, an ninh mạng (Vietnam Security Summit) 2020 với chủ đề "An toàn bảo mật thông tin trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn". Sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 10-11 tại Hà Nội.
Cũng theo phân tích của các chuyên gia tại hội thảo, quá trình chuyển đổi số dẫn đến số lượng thiết bị IoT (internet kết nối vạn vật) và dung lượng dữ liệu phát sinh lớn, cùng với đó, các nguy cơ về đánh cắp, hủy hoại và giả mạo thông tin, dữ liệu ngày càng tăng cao. Các đối tượng tấn công mạng cũng đã khai thác điểm mạnh của trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để tấn công mạng, có thể làm ảnh hưởng đến mạng internet quốc gia.
Thêm nữa, năm 2021, nước ta có nhiều sự kiện lớn, để an toàn hơn trên không gian mạng, mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người sử dụng phải luôn sẵn sàng để ứng phó với các nguy cơ, mối đe dọa này.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện nay, số bộ, ngành địa phương triển khai bảo đảm an ninh thông tin theo mô hình 4 lớp đạt 82% (trong đó các bộ, ngành đạt 65%, địa phương đạt 87%); đã triển khai trung tâm giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng (SOC) bảo vệ 2 lớp đạt 95% (trong đó các bộ, ngành đạt 82% và địa phương đạt 97%); triển khai giám sát từ xa cho 85 cơ quan, trực tiếp cho 15 cơ quan tại 23 địa điểm.
Đến nay, có 215 cơ quan tham gia mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng. Đặc biệt, từ tháng 9-2020, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai chiến dịch rà soát, bóc gỡ mã độc trên toàn quốc...
Những nỗ lực đó đã góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về an toàn, an ninh mạng. Theo Báo cáo chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) công bố năm 2019, Việt Nam xếp thứ 50 trên tổng số 175 hạng của 194 quốc gia (tăng 50 bậc so với kỳ trước). Đây là cơ sở để nước ta hướng tới mục tiêu đến năm 2025 nằm trong tốp 40 và đến năm 2030 là tốp 30 nước mạnh về an toàn, an ninh mạng trên thế giới.
Ngoài phiên báo cáo chính, hội thảo và triển lãm quốc tế về An toàn, an ninh mạng 2020 gồm hai hội thảo chuyên đề "Giám sát và ngăn ngừa hiểm họa an toàn, an ninh mạng cho các hạ tầng công nghệ thông tin trọng yếu quốc gia" và "Bảo vệ hệ thống thông tin doanh nghiệp thế hệ mới". Cùng với đó là triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng 2020 với sự tham gia của 30 nhà cung cấp giải pháp bảo mật hàng đầu khu vực và thế giới.
Trong khuôn khổ hội thảo, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) và 5 thành viên sáng lập (Viettel, VNPT, FPT, BKAV, CMC) công bố ra mắt Liên minh xử lý mã độc và phòng, chống tấn công mạng Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.