(HNM) - Hôm nay (4-3), cử tri Italia sẽ tham gia cuộc tổng tuyển cử được đánh giá là thước đo của sự ổn định tại đất nước hình chiếc ủng.
Theo luật bầu cử mới, 37% số nghị sĩ ở cả 2 viện sẽ được bầu phổ thông theo danh sách ứng cử viên. Số còn lại được bầu theo danh sách các chính đảng. Cụ thể tại Hạ viện, 232 ghế sẽ được bầu theo cơ chế thứ nhất, 386 ghế được bầu theo danh sách chính đảng, 12 ghế còn lại dành cho các đơn vị cử tri ở nước ngoài.
Tại Thượng viện, số ghế tương ứng ở 3 cơ chế bầu lần lượt là 116, 193 và 6. Một điểm mới, luật cho phép các chính đảng liên minh với nhau trước bầu cử và liên minh các chính đảng phải giành được ít nhất 10% số phiếu bầu mới có ghế tại Quốc hội, trong khi mức này với các đảng đơn lẻ là 3%.
Đại diện các đảng phái chủ chốt trong cuộc tổng tuyển cử tại Italia. |
Kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần nhất cho thấy, liên minh trung hữu dẫn đầu là đảng Tiến lên Italia (FI) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đang chiếm ưu thế với tỷ lệ ủng hộ ở mức 37%. Trong khi đó, đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) lại là đảng đơn lẻ giành được tỷ lệ ủng hộ cao nhất, ở mức khoảng 28%.
Còn liên minh cánh tả dự kiến sẽ về thứ ba với 27,4% số phiếu bầu. Các nhà phân tích dự đoán, trong cuộc tổng tuyển cử lần này không có phe nào giành được đa số ghế cần thiết tại Quốc hội để có thể tự đứng ra lập Chính phủ.
Trong bối cảnh sự chia rẽ giữa các đảng phái ngày càng rõ rệt, không ít người lo ngại Italia đang đi theo "vết xe đổ" của Đức, khi có sự khác biệt quan điểm về vấn đề nhập cư và phát triển kinh tế. Khi đó, đất nước hình chiếc ủng rất dễ rơi vào tình trạng khủng hoảng chính trị hậu bầu cử, tác động tiêu cực tới nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi chậm chạp.
Không chỉ người dân Italia, lãnh đạo EU cũng đang dõi theo từng bước đi của ba đảng phái lớn tại xứ sở này, đặc biệt khi phong trào kêu gọi Italia rời EU (Italexit) vẫn dâng cao trong cả nước. Ngay cả khi điều này chưa trở thành hiện thực, một chính phủ tạm quyền bấp bênh cùng tư tưởng chống EU sẽ là bài toán khó cho Brussels. Vì thế, không ít ý kiến cho rằng, bất ổn trên chính trường Italia sẽ là mối đe dọa lớn đối với tương lai của Eurozone.
Những chuyên gia lạc quan nhất cũng phải thừa nhận, Italia đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Tốc độ tăng trưởng của quốc gia này năm 2017 đạt mức 1,4%, cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây, song vẫn kém xa mức trước khủng hoảng tài chính năm 2008 (7,5%). Theo các chuyên gia, dù là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực Eurozone, song Italia được đánh giá là nước có năng suất lao động thấp nhất Châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp cao, môi trường kinh doanh kém thân thiện.
Bên cạnh đó, nhập cư tiếp tục là vấn đề nhức nhối, đe dọa an ninh và ổn định của quốc gia này. Năm 2017, Tổ chức quốc tế về Nhập cư của Liên hợp quốc (IOM) ghi nhận, có 119.310 người vượt biển tới Italia, trong đó có 2.832 người tử nạn hoặc mất tích. Đây là con số đáng báo động, dù phần nào thuyên giảm so với mức kỷ lục năm 2016.
Những lo ngại của dư luận không phải không có cơ sở khi chính trường Italia từ trước tới nay vẫn luôn trong trạng thái bất ổn. Nước này đã có hơn 60 chính phủ được thành lập kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Vì vậy, kịch bản nào sẽ diễn ra trong cuộc bầu cử lần này đang là một ẩn số khó đoán định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.