(HNM) - Theo phán quyết của một bồi thẩm đoàn liên bang ở thành phố Los Angeles, bang California (Mỹ), hai “gã khổng lồ” của làng công nghệ thế giới là Apple và Broadcom đã buộc phải trả số tiền đền bù lên tới 1,1 tỷ USD cho Viện Công nghệ California (Caltech) vì lý do vi phạm bản quyền. Dữ liệu từ hãng tin Bloomberg của Mỹ cho thấy, đây là mức án nặng thứ 6 trong lịch sử những vụ án liên quan đến bằng sáng chế.
Hồi năm 2016, Caltech đã đệ đơn khởi kiện Broadcom và Apple lên tòa án với cáo buộc hai hãng công nghệ hàng đầu thế giới sử dụng trái phép những cải tiến công nghệ đã được cấp 4 bằng sáng chế của viện này đối với kết nối mạng không dây (Wifi). Các bằng sáng chế của Caltech được cấp từ năm 2006 đến 2012, dành cho công nghệ sử dụng những đoạn mã nhằm cải thiện hiệu suất và chất lượng truyền dẫn tín hiệu không dây. Đáng chú ý, công nghệ này lại được tích hợp vào chuẩn Wifi 802.11n và 802.11ac, đang được áp dụng đối với các dòng sản phẩm của Apple từ nhiều năm qua.
Broadcom là “mục tiêu” ban đầu của Caltech, trước khi Apple bị cuốn vào vụ kiện vì là đối tác lớn của hãng sản xuất chíp hàng đầu thế giới. Sau khi phát hiện vụ việc, Caltech đã mạnh mẽ cáo buộc Apple sử dụng những con chíp do Broadcom sản xuất, vốn vi phạm các bằng sáng chế về công nghệ Wifi của viện này, để đưa vào nhiều sản phẩm chiến lược, trong đó có dòng điện thoại Iphone, máy tính bảng Ipad và đồng hồ thông minh Apple Watch. Sau gần 4 năm theo đuổi vụ kiện đắt giá, Caltech đã giành chiến thắng khi tòa án yêu cầu hai hãng Apple và Broadcom phải đền bù lần lượt 837 triệu USD và 270 triệu USD.
Trước phán quyết của tòa án với phần bất lợi nghiêng về mình, Apple khẳng định sẽ gửi đơn kháng cáo. Trong đó, Apple tuyên bố, hãng này chỉ sử dụng những con chíp do Broadcom cung cấp, thay vì phát triển phương thức mã hóa và giải mã có thể đã vi phạm bằng sáng chế của Caltech. Apple cũng cho rằng, Caltech đã không nộp đơn kiện cho đến tận năm 2016 nên thời hạn để xác nhận mức độ thiệt hại mà viện công nghệ này phải gánh chịu đã hết theo luật pháp Mỹ. Với những lập luận này, Apple tuyên bố hãng không cần phải chịu trách nhiệm pháp lý. Trong khi đó, Broadcom chỉ đưa ra thông báo ngắn gọn bày tỏ sự phản đối đối với tính pháp lý của phán quyết và dự kiến sẽ đệ đơn kháng cáo.
Việc Apple và Broadcom kháng cáo có thể sẽ khiến những tranh chấp pháp lý giữa hai hãng công nghệ hàng đầu này và Caltech tiếp tục kéo dài nhiều năm với những kết quả khó lường. Tuy nhiên, “cuộc chiến” này dường như không ảnh hưởng đến sự hợp tác giữa hai “gã khổng lồ” công nghệ khi mới đây Broadcom tuyên bố đã đạt thỏa thuận với Apple ở mảng cung cấp linh kiện với tổng giá trị hợp đồng có thể lên đến 15 tỷ USD trong thời gian 3,5 năm. Hồi cuối năm 2019, Broadcom cho biết, những thương vụ với Apple chiếm 20% lợi nhuận ròng của hãng cùng năm và 25% trong năm 2018.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.