(HNM) - Nội tạng động vật như: Lòng, gan, tim, dạ dày, thận… là món ăn khoái khẩu của nhiều người Việt. Thế nhưng, khi ăn phải nội tạng không bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Vậy nên ăn nội tạng như thế nào để tránh những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe?
Hậu quả khôn lường
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại các tuyến phố có những quán lòng lợn nổi tiếng của Thủ đô, như: Phố Trần Đại Nghĩa (quận Hai Bà Trưng), phố Hàng Than (quận Ba Đình), phố Ngọc Lâm (quận Long Biên), phố Lò Sũ (quận Hoàn Kiếm)…, các món luộc, chiên được chế biến từ lòng, gan, tiết, dạ dày… luôn thu hút thực khách. Chị Nguyễn Thị Thanh, chủ một cửa hàng bán nhạc cụ trên phố Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy) chia sẻ: "Thời tiết bắt đầu se lạnh như hiện nay, quán lòng nướng, hay cháo lòng tiết canh trở thành lựa chọn số 1 cho những buổi tụ tập bạn bè. Chút lòng giòn sần sật chấm mắm tôm pha loãng, thêm chút rau thơm… có thể hấp dẫn bất cứ ai".
Dù nội tạng là món ăn khoái khẩu của nhiều người nhưng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nội tạng động vật hay lòng lợn chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol hơn so với thịt. Do đó, nếu thường xuyên ăn sẽ làm tăng mỡ máu và có hại cho tim mạch.
Ngoài ra, lòng lợn là nơi có chứa rất nhiều ký sinh trùng, vì vậy khi chế biến không sạch, luộc không chín kỹ còn làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng (giun, sán) sang người. Đặc biệt, khi sử dụng nội tạng động vật không rõ nguồn gốc hoặc không bảo đảm chất lượng rất có thể người dùng sẽ bị nhiễm các loại vi khuẩn có hại, như: Salmonella, E.coli, Listeria monocytogenes hay tụ cầu, gây hại cho cơ thể, gây ra ngộ độc thực phẩm, nôn ói…
Bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) cũng cho rằng, nội tạng động vật rất giàu vitamin và dinh dưỡng. Cụ thể, gan, thận nhiều vitamin A, sắt, kẽm...; óc động vật chứa axít béo omega 3… Tuy nhiên, Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo, chỉ nên bổ sung lượng chất béo bão hòa bằng 5-6% lượng calo tiêu thụ hằng ngày. Đây là lý do người Mỹ không ăn hoặc ăn rất ít nội tạng.
Thêm vào đó, nhiều cơ sở chế biến nội tạng động vật không hợp vệ sinh, nhiễm rất nhiều loại giun sán, vi khuẩn, vi rút nguy hại cho con người. Nguy hiểm hơn, trên các phương tiện thông tin đại chúng thường phản ánh về việc các cơ quan chức năng bắt giữ các xe chở nội tạng động vật ôi thiu, bốc mùi… Với những loại nội tạng động vật này chỉ cần sử dụng các loại hóa chất tẩy rửa để “ngụy trang” sẽ không còn mùi hôi thối trước khi lên bàn ăn phục vụ thực khách. Những loại nội tạng ôi thiu này không chỉ tấn công hệ tiêu hóa mà còn tăng nguy cơ tích tụ hóa chất trong cơ thể và có nguy cơ gây ung thư cho người sử dụng.
Ăn thế nào cho đúng?
Để bảo đảm an toàn đối với sức khỏe, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) khuyến cáo, ăn nội tạng động vật có thể tốt với người này nhưng lại không tốt đối với người khác. Chẳng hạn như, đối với trẻ em, phụ nữ có thai cho con bú, người thiếu máu, thiếu sắt, thanh thiếu niên và người trẻ tuổi thì nên ăn các loại phủ tạng như: Gan, tiết, tim. Thế nhưng, khi ăn cũng chỉ ăn vừa phải, ăn từ 2 đến 3 lần/tuần, mỗi lần ăn từ 50 đến 70g đối với người lớn, còn trẻ em chỉ ăn từ 30 đến 50g/bữa. Khi mua nên chọn loại còn tươi, ấn vào bề mặt gan, tim còn đàn hồi tốt, bề mặt nhẵn không có nốt sần cục, màu đỏ tươi sẫm; không mua các loại gan có màu vàng hoặc tím sẫm, có mùi hôi.
Bác sĩ Lê Thị Hải cũng lưu ý, các bà nội trợ nên tìm mua các loại nội tạng động vật ở những cơ sở giết mổ đã qua kiểm dịch, nội tạng từ những con vật khỏe mạnh không mắc bệnh sẽ bảo đảm an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, khi ăn cũng cần lưu ý, vì các loại nội tạng đều chứa nhiều cholesterol nên không phù hợp với người cao tuổi, người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như: Tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh gout, bệnh thận, người thừa cân - béo phì…
Còn theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, để bảo đảm an toàn cho sức khỏe, mọi người nên tự mua lòng sống về và tự làm sạch. Cách chọn lòng ngon chỉ nhìn cảm quan bằng mắt thường, đó là ống ruột căng, phẳng phiu và tròn, màu trắng hồng, nhẵn nhụi, không có mùi lạ. Nếu sờ vào lòng không có sự đàn hồi hay không có độ dẻo dính, nổi những nốt u cục như hạt gạo thì không nên mua và không nên sử dụng vì dễ từ lợn bệnh.
Để làm sạch lòng thì sau khi mua về có thể đem lộn trái rồi vuốt sạch chất nhớt bên trong hoặc có thể bơm nước vào bên trong để đẩy các chất nhầy ra rất nhanh. Ngoài ra, dùng nước cốt chanh, dấm để sát khử mùi, sau đó rửa lại với nước muối để diệt khuẩn và làm sạch lại một lần nữa. Khi luộc, rán cần bảo đảm chín kỹ để tránh nguy cơ nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng. Chỉ nên mua nội tạng ở những cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Khi bảo quản, để thực phẩm đã chín ở nơi sạch sẽ và cao ráo, không để chung với thực phẩm sống, tránh tình trạng bị lây nhiễm vi trùng, vi khuẩn từ các nguồn thực phẩm bẩn khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.