(HNM) - Mặc dù đã bị cơ quan chức năng “điểm mặt, chỉ tên”, yêu cầu xử lý, nhưng hiện nay 137 điểm tập kết, trung chuyển cát, sỏi ven sông (bãi chứa) vẫn tồn tại.
Bãi chứa cát của gia đình bà Đào Thị Tám ở xã Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ) vượt quá quy định về chiều cao chất tải. |
Phúc Thọ là huyện trọng điểm của TP Hà Nội trong phòng, chống lũ lụt. Trên địa bàn Phúc Thọ có 5 tuyến đê chạy qua, làm nhiệm vụ trực tiếp và gián tiếp chống lũ sông Hồng, bảo vệ tính mạng, tài sản của hàng triệu người dân Thủ đô. Để bảo đảm an toàn, nâng cao năng lực chống lũ, Nhà nước đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống đê điều.
Hiện trên địa bàn huyện Phúc Thọ có 6 bãi chứa, trong đó 3 bãi nằm trên tuyến đê hữu Hồng, 3 bãi nằm trên tuyến đê Vân Cốc, với tổng diện tích sử dụng đất là 1,25ha. Điều đáng nói là các bãi chứa này đều không có giấy phép hoạt động, vi phạm quy định về hành lang bảo vệ công trình đê điều, chiều cao chất tải, có tình trạng xe quá tải ra vào bãi và đi trên đê...
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bà Đào Thị Tám, chủ bãi chứa vật liệu xây dựng tại xã Cẩm Đình cho biết, Huyện Phúc Thọ đã cấp giấy chứng nhận và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp ven sông làm bãi chứa vật liệu xây dựng. Về nguồn gốc cát nhập lên bãi, chủ bãi không quan tâm chủ tàu khai thác ở đâu và chỉ xuất hóa đơn mua hàng khi người bán có yêu cầu. Chủ phương tiện tự chịu trách nhiệm khi vận chuyển quá khối lượng, quy định vệ sinh phương tiện lưu thông ra khỏi bãi chứa…
Giải thích về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong hành lang bảo vệ công trình đê điều, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phúc Thọ Đặng Văn Nghĩa cho biết: "Huyện chỉ cho phép đối với phần diện tích cách mép sông là 50m, phạm vi giáp mép sông là đất công, do các xã quản lý. Trong nội dung giấy phép, huyện yêu cầu các chủ sử dụng đất không được chất tải quá 2,5m. Vì thiếu nhân lực nên huyện chưa thường xuyên kiểm tra hoạt động của các bãi chứa…".
Theo Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão (Sở NN&PTNT Hà Nội), trên địa bàn thành phố hiện có 151 bãi chứa không có giấy phép hoạt động, với tổng diện tích 115,35ha, tập trung trên các tuyến đê sông Hồng, Đuống, Cà Lồ… Địa phương có số lượng bãi chứa trái phép nhiều nhất thành phố là: Gia Lâm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Thường Tín, Sơn Tây, Phúc Thọ… Khi phát hiện vi phạm, các hạt quản lý đê đều lập biên bản, đề nghị, đôn đốc các địa phương xử lý.
Tuy nhiên, do các địa phương chưa quyết liệt nên đến nay mới có 14 bãi chứa trái phép bị xử lý, buộc phải ngừng hoạt động; 137 bãi còn lại vẫn ngang nhiên hoạt động. Thực tế này không chỉ gây thất thoát nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường mà còn làm gia tăng các sự cố đê điều, đe dọa an toàn công trình phòng, chống thiên tai.
Mặc dù không phải là mùa lũ nhưng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 5 sự cố công trình đê điều, trong đó có các sự cố sạt lở kè Cẩm Đình, kè Xuân Phú (huyện Phúc Thọ), kè Cam Thượng, kè Chu Minh (huyện Ba Vì)… Nguyên nhân xảy ra các sự cố trên đều xuất phát từ hoạt động khai thác cát, sỏi, sử dụng bãi chứa ven sông... Dự kiến kinh phí để xử lý riêng các sự cố này cũng lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Đặc biệt, sự cố sạt lở kè Hồng Hậu xảy ra ngày 18-10-2010 vẫn là bài học đắt giá đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý đất bãi ven sông, bảo đảm an toàn công trình phòng, chống thiên tai…
Để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, theo Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội Đỗ Đức Thịnh, việc đầu tư nâng cao năng lực chống lũ của các công trình đê điều là cần thiết. Giải pháp hiệu quả, ít chi phí là nâng cao trách nhiệm bảo vệ công trình, kiên quyết xử lý các vi phạm đê điều… Đặc biệt, các cấp, các ngành, địa phương cần coi việc xử lý vi phạm là tiêu chí đánh giá thi đua, mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.