Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ẩn họa từ những kho “bom gas”

Tiến Thành| 17/01/2018 06:28

(HNM) - Do nhiều nguyên nhân, các cơ sở kinh doanh, buôn bán khí hóa lỏng, gas tại Hà Nội thường xuyên di chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau, nằm xen lẫn trong các khu dân cư...

Nơm nớp nỗi lo

Đang nấu cơm thì hết gas, chị Phạm Thị Linh (sinh viên Đại học Xây dựng) vội vàng gọi điện theo số điện thoại cửa hàng gas dán trên tường nhà bếp. 15 phút sau, một người đàn ông chở bình gas loại 12kg có mặt. Khi lắp xong bình gas mới, người đổi gas không quên để lại một tờ giấy dán lên bình gas ghi tên cửa hàng và số điện thoại. So với tờ giấy cũ, trên tờ giấy mới, tên cửa hàng và số điện thoại không thay đổi nhưng địa chỉ cửa hàng lại khác. Thoáng chút nghi ngờ, chị Linh lên tiếng hỏi thì người này trả lời: “Chỉ là bên anh mới chuyển cửa hàng thôi!”.

Một cửa hàng gas trong khu dân cư tại quận Hai Bà Trưng.



Theo địa chỉ dán trên bình gas mới, chúng tôi tìm đến cửa hàng nằm trên phố Trương Định (quận Hai Bà Trưng). Với diện tích khoảng 25m2, hai bên vách cửa hàng loang lổ ni lông dán tường đã bị bong từng mảng nhỏ, xen lẫn dây điện trần được mắc nối phía trên những bếp gas trưng bày. Phải lựa chân chúng tôi mới bước được qua những bình gas loại 12kg bày la liệt ở giữa phòng để vào bên trong. Quan sát khắp cửa hàng không hề nhìn thấy một bình cứu hỏa nào. Trò chuyện hồi lâu, Trịnh Văn Dũng (24 tuổi), nhân viên cửa hàng cho hay, ông chủ thường xuyên đi vắng, chỉ có Dũng và một nhân viên khác trông cửa hàng, kết hợp đi giao hàng, lắp đặt bình gas cho khách.

Dũng cho biết, cửa hàng mới chuyển từ đường Trường Chinh (quận Đống Đa) về đây được hơn một tháng. “Khu đó đang giải tỏa làm đường nên cửa hàng phải chuyển về đây, nếu chuyển đi xa nữa, sợ rằng sẽ mất khách” - Dũng nói. Thấy chúng tôi e ngại về cơ sở vật chất đã xuống cấp, Dũng phân bua: "Cửa hàng luôn phải di chuyển mỗi khi bị tăng giá thuê hoặc bị hàng xóm phản ứng, chúng em phải tối giản và tận dụng hết mức để giảm chi phí... Miễn là ở được, còn chẳng dại gì lại đi sửa chữa". Dũng cũng cho biết đã từng làm việc ở nhiều cửa hàng gas, mỗi cửa hàng chuyển đi chuyển lại nhiều lần vì giá thuê mặt bằng liên tục “leo thang”, nhưng mặt hàng gas thì không thể tự ý tăng giá. Còn về việc sang chiết gas, theo Dũng, các cửa hàng chủ yếu sử dụng cách làm thủ công đơn giản và hầu như không có thiết bị bảo đảm an toàn tại chính nơi kinh doanh.

Đây chính là lý do các gia đình sống cạnh cửa hàng kinh doanh, buôn bán gas trong các khu dân cư luôn nơm nớp nỗi lo, sống trong sợ hãi. Chị Nguyễn Thị Hồng (trú ở quận Hà Đông) cho hay, dù biết độ an toàn của cửa hàng gas cạnh nhà mình chỉ tương đối, nhưng “lực bất tòng tâm” vì không thể chuyển nhà, cũng không thể yêu cầu chủ cửa hàng ngừng việc kinh doanh gas. Anh Hoàng Văn Thắng (ở chung cư F5, quận Cầu Giấy) kể: Trước đây gia đình anh và các hộ phải “sống chung” với một cửa hàng gas chỉ cách chung cư vài bước chân. Cửa hàng này đã tồn tại khoảng 10 năm mà không bảo đảm các điều kiện về khoảng cách an toàn. Sau nhiều lần kiến nghị, tháng 12-2017, chính quyền địa phương, Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 3 đã có biện pháp buộc cửa hàng này phải dừng hoạt động, di chuyển ra khỏi khu dân cư. “Khi đó, chúng tôi mới ăn ngon, ngủ yên, không còn lo lắng về "kho bom” gas nằm sát khu chung cư” - anh Thắng cho biết.

Không chỉ những cửa hàng nằm trong khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ về cháy, nổ mà nhiều cửa hàng gas mọc lên ở các tuyến phố lớn cũng tương tự. Theo thống kê của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 1.600 cửa hàng kinh doanh khí hóa lỏng, gas. Trong đó, cơ sở tư nhân chiếm hơn 90% và hầu hết đều nằm xen lẫn trong khu dân cư, các điều kiện an toàn bắt buộc không ít thì nhiều, đều bị các chủ cơ sở bỏ qua.

Chủ động phòng, chống

Nói về nguy cơ cháy, nổ tại các cơ sở kinh doanh khí hóa lỏng, Trung úy Nghiêm Xuân Bách, cán bộ Đội Hướng dẫn, kiểm tra an toàn phòng cháy (Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 2) cho biết, nguyên nhân chủ yếu là các cửa hàng, cơ sở kinh doanh gas tự phát, chưa được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy, trong đó vẫn còn tình trạng sang chiết gas trái phép… Việc kinh doanh gas còn kết hợp kinh doanh với các mặt hàng khác, đồng thời thay đổi địa điểm liên tục làm gia tăng khả năng xảy ra cháy, nổ ở các địa bàn dân cư, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người dân. Trên thực tế đã từng xảy ra sự cố nổ tại cửa hàng gas.

Theo Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố), để phòng ngừa cháy, nổ tại các cơ sở kinh doanh khí hóa lỏng, gas, trước hết chủ các cơ sở phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, tuân thủ yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy. Hơn nữa, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng cần nâng cao vai trò và trách nhiệm trong quản lý các cửa hàng kinh doanh gas.

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội cho biết, trong 40 nghìn cơ sở có nguy cơ cháy, nổ trên địa bàn thành phố, có hơn 550 cửa hàng kinh doanh khí đốt hóa lỏng. Vì vậy, ngoài việc nâng cao ý thức cho chủ cơ sở kinh doanh, buôn bán mặt hàng gas, khí hóa lỏng trong khu dân cư, cần có những biện pháp từ cơ quan chức năng để hạn chế mức thấp nhất rủi ro cháy, nổ có thể xảy ra.

Về phần mình, để thực hiện kiểm soát chặt chẽ, phản ứng nhanh trước các sự cố có thể xảy ra, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương chủ động tiến hành điều tra, thu thập thông tin cơ bản như tên cơ sở, người đứng đầu, diện tích loại hình kinh doanh, vị trí tọa độ trên bản đồ… Tất cả dữ liệu được số hóa, tích hợp vào hệ thống Trung tâm Thông tin chỉ huy phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm mọi hoạt động có thể dẫn đến sự cố đều được thông tin kịp thời để phòng chống, ngăn ngừa hiệu quả cháy, nổ, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ẩn họa từ những kho “bom gas”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.