Thế giới

Ấn Độ phóng tàu thăm dò, nghiên cứu Mặt trời

Dương Thuỳ 02/09/2023 - 17:11

Theo CNA, Cơ quan vũ trụ Ấn Độ đã nhắm tới một cột mốc quan trọng khác bằng việc phóng tàu thăm dò nghiên cứu Mặt trời vào hôm nay (2-9), một tuần sau khi một tàu vũ trụ đổ bộ thành công lên Mặt trăng.

mat-troi.png
Ấn Độ khởi động chuyến thám hiểm Mặt trời đầu tiên.

Tàu thăm dò Aditya-L1 sẽ mang theo các thiết bị khoa học để quan sát các lớp ngoài cùng của Mặt trời, cất cánh thành công từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan vào lúc 11h50 (giờ địa phương) ngày 2-9 trong hành trình kéo dài 4 tháng.

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) đã gửi nhiều tàu thăm dò tới trung tâm hệ mặt trời, bắt đầu từ chương trình Tiên phong của NASA vào những năm 1960.

Nếu thành công, sứ mệnh mới nhất của Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) sẽ giúp Ấn Độ trở thành quốc gia châu Á đầu tiên đưa được tàu thăm dò vào quỹ đạo Mặt trời. “Đó là một sứ mệnh đầy thách thức đối với Ấn Độ”, nhà vật lý thiên văn Somak Raychaudhury nói với Đài truyền hình NDTV hôm 1-9.

Ông Raychaudhury cho biết, tàu thăm dò sẽ nghiên cứu sự phóng khối lượng của vành nhật hoa, một hiện tượng định kỳ chứng kiến phóng điện plasma và năng lượng từ trường khổng lồ từ bầu khí quyển của Mặt trời. Những vụ nổ này mạnh đến mức chúng có thể chạm tới Trái đất và có khả năng làm gián đoạn hoạt động của các vệ tinh.

"Do đó, tàu thăm dò Aditya-L1 sẽ giúp dự đoán hiện tượng trên và cảnh báo để các vệ tinh có thể tắt nguồn điện của chúng", ông Raychaudhury cho biết thêm.

Sứ mệnh tàu thăm dò Mặt trời của Ấn Độ cũng nhằm mục đích làm sáng tỏ động lực học của một số hiện tượng khác bằng cách chụp ảnh và đo các hạt trong bầu khí quyển phía trên của Mặt trời.

Ấn Độ đã dần bắt kịp thành tựu của các cường quốc du hành vũ trụ với chi phí thấp hơn. Quốc gia Nam Á này có chương trình không gian với ngân sách tương đối thấp, nhưng đã phát triển đáng kể về quy mô và động lực kể từ lần đầu tiên nước này đưa tàu thăm dò quay quanh Mặt trăng vào năm 2008.

Các chuyên gia cho rằng, Ấn Độ có thể giữ chi phí ở mức thấp bằng cách sao chép và điều chỉnh công nghệ hiện có, đồng thời nhờ vào lực lượng kỹ sư có tay nghề cao.

Cuộc hạ cánh thành công của tàu vũ trụ Ấn Độ trên bề mặt Mặt trăng vào tháng trước, một kỳ tích trước đây chỉ có Nga, Mỹ và Trung Quốc đạt được, tiêu tốn chưa tới 75 triệu USD.

Ấn Độ đã trở thành quốc gia châu Á đầu tiên đưa tàu vũ trụ vào quỹ đạo quanh sao Hỏa vào năm 2014 và dự kiến sẽ khởi động một sứ mệnh có phi hành đoàn kéo dài 3 ngày vào quỹ đạo Trái đất trong năm tới.

Nước này cũng lên kế hoạch thực hiện một sứ mệnh chung với Nhật Bản để gửi một tàu thăm dò khác lên Mặt trăng vào năm 2025 và một sứ mệnh bay vào quỹ đạo tới sao Kim trong vòng 2 năm tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ấn Độ phóng tàu thăm dò, nghiên cứu Mặt trời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.