Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Ăn” bằng đủ mọi chiêu

Việt Tuấn| 09/10/2013 07:01

(HNM) - Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa công bố kết luận thanh tra Bệnh viện Bình Dân và Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình. Theo đó, cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại hai bệnh viện này với nhiều chiêu trò moi tiền ngân sách.

Dột từ nóc

Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình là bệnh viện hạt nhân trong mạng lưới chấn thương chỉnh hình của cả nước với vai trò điều trị chuyên khoa sâu về chấn thương chỉnh hình, là nơi giảng dạy và thực tập của Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, nơi đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế thành phố, đồng thời nghiên cứu về cơ xương khớp có quan hệ đa ngành. Bệnh viện được coi là chỗ dựa tin cậy của nhân dân thành phố và các tỉnh phía Nam về các hoạt động chuyên môn điều trị với kỹ thuật cao. Tuy vậy, kết quả thanh tra tại đây cho thấy, đằng sau chiếc áo blu trắng là những chuyện tày đình.

Một góc Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình.


Cụ thể về sai phạm, theo thanh tra, việc Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị y tế để thực hiện phẫu thuật theo chương trình, nhưng bệnh viện này lại chăm chăm thực hiện phẫu thuật theo yêu cầu. Tất nhiên, thực hiện theo yêu cầu bệnh nhân thì tiền thu về và chia ra phải cao hơn. Cụ thể, tháng 10-2010, Bệnh viện thực hiện phẫu thuật 1.594 ca, trong đó phẫu thuật theo yêu cầu chiếm tới 67%; tháng 10-2011, Bệnh viện thực hiện phẫu thuật 1.879 ca, thì tới 68% là phẫu thuật theo yêu cầu; tháng 6-2012, Bệnh viện thực hiện phẫu thuật 2.140 ca, trong đó phẫu thuật theo yêu cầu 69%. Đáng nói, cơ quan chức năng phát hiện có 9 bác sĩ được phân công trực nhưng được chấm công đi… phẫu thuật. Đặc biệt hai Phó giám đốc bệnh viện là Châu Văn Đính và Phan Văn Trí cũng có tên trong danh sách trực mà vẫn thực hiện phẫu thuật theo yêu cầu.

Ngoài ra, chỉ thanh tra ngẫu nhiên 3 tháng (tháng 10-2011, tháng 10-2012 và tháng 6-2013) tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh, thanh tra phát hiện Bệnh viện thu tiền gần 153.000 phim nhưng thực tế chụp chỉ có 138.000 phim, chênh lệch khoảng 13.000 phim, tính trung bình mỗi tháng, số phim thừa quy ra tiền là hơn 60 triệu đồng. Ngoài ra, đoàn thanh tra cũng phát hiện trong 3 năm (2010-2012), Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình làm thất thoát hơn 15.000 tấm phim; mở sai kích thước trên 227.600 phim; cắt ghép phim thừa khoảng 2.500 tờ phim/tháng.

Lợi ích nhóm

Bệnh viện Bình Dân trực thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng là trung tâm ngoại khoa lớn của TP và các tỉnh khu vực phía Nam. Với lợi thế được đầu tư cơ sở vật chất khám, điều trị kỹ thuật cao, nên những gì mà Thanh tra Sở Y tế công bố thì nơi đây, nguồn lợi mang về cho "nhóm lợi ích" lại không "bình dân" chút nào. Điển hình là việc Bệnh viện liên doanh liên kết hợp tác đặt máy siêu âm, máy CT-Scanner, máy tán sỏi, máy X-quang không có chủ trương phê duyệt của Sở Y tế, không có đề án, không có biên bản hợp đồng đồng ý lắp đặt của Ban giám đốc, Đảng ủy và Công đoàn bệnh viện. Chỉ riêng trường hợp đặt mua máy siêu âm trắng đen từ năm 2006, tỷ lệ phân chia cho đối tác là 70%, bệnh viện 30%. Sau khi hoàn vốn, tỷ lệ chia cho đối tác còn 60% và bệnh viện 40%. Nhưng thực tế, giữa năm 2009, đối tác đã thu hồi đủ vốn, nhưng Bệnh viện vẫn giữ nguyên mức chi 70% cho đối tác, 30% cho bệnh viện. Tính chung cho việc ăn chia "hào phóng" này trong 4 năm, Bệnh viện đã làm thất thoát hàng tỷ đồng ngân sách.

Ngoài ra, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh còn phát hiện việc liên kết, liên doanh để tăng thu nhập ở Khoa Chẩn đoán hình ảnh. Cụ thể, thu nhập của bác sĩ chỉ định mỗi ca được hưởng 50 nghìn đồng, bác sĩ đọc kết quả được 40 nghìn đồng mà chỉ được Giám đốc Bệnh viện duyệt chi trên phiếu đề xuất, không có trong quy định chi tiêu nội bộ. Đặc biệt, bác sĩ Đặng Đình Hoan là Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, không phải là bác sĩ khám bệnh, nhưng cũng được lĩnh tiền chỉ định 50 nghìn đồng/ca. Cũng ở Bệnh viện Bình Dân, nhiều thiết bị y tế còn "đắp chiếu". Tiêu biểu như hai máy cắt đốt nội soi u xơ tiền liệt tuyến trị giá hơn 2 tỷ đồng, nhưng đã không sử dụng 21 tháng do hình ảnh bị mờ, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Hai máy tiệt khuẩn cũng có giá trị hơn 2 tỷ đồng nhưng không sử dụng được do không mua hóa chất để sử dụng máy, thời gian không sử dụng 13 tháng, gây thiệt hại 300 triệu đồng.

Trước sai phạm của Bệnh viện Bình Dân, Thanh tra Sở Y tế đề nghị truy thu toàn bộ số tiền chi sai quy định trong 4 năm (2009-2012) là gần 3 tỷ đồng. Với Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Sở Y tế đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo Thanh tra thành phố vào cuộc thanh tra toàn diện và làm rõ vấn đề thất thoát, đổi, xén, ghép phim…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Ăn” bằng đủ mọi chiêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.