Có rất nhiều giả thuyết được đưa ra xung quanh vụ sát hại chính trị gia đối lập nổi tiếng tại Nga này.
Bức ảnh ông Boris Nemtsov lúc sinh thời được đặt giữa rừng hoa (Ảnh: AFP) |
1. Đêm 27/2, chính trị gia đối lập Nga Boris Nemtsov đã bị sát hại trên cầu Bolshoi Moskvoretsky gần Quảng trường Đỏ khi ông này đang trên đường đi bộ về nhà cùng với bạn gái.
Điều tra ban đầu cho thấy, ông Nemtsov đã bị bắn 4 phát đạn từ sau lưng khiến ông chết tại chỗ. Tại hiện trường, cảnh sát đã thu được 6 vỏ đạn với xuất xứ từ nhiều công ty khác nhau.
Vụ sát hại ông Nemtsov đã khuấy động dư luận nước Nga và trên toàn thế giới.Nhiều nhà lãnh đạo đã lên án vụ sát hại nói trên và kêu gọi nhanh chóng điều tra để đưa những kẻ sát nhân ra trước công lý.
Tổng thống Nga Putin ngày 28/1 cam kết sẽ làm tất cả để đưa kẻ thủ ác trong vụ sát hại lãnh đạo Đảng đổi lập Boris Nemtsov ra trước ánh sáng công lý.
Trên trang web chính thức của Tổng thống Nga viết: “Chúng ta sẽ làm tất cả mọi điều để đảm bảo rằng kẻ thủ ác và những người đứng phía sau họ đều phải nhận sự trừng phạt thích đáng”.
Cho đến nay, đã có nhiều giả thuyết được đưa ra về động cơ sát hại chính trị gia đối lập nổi tiếng tại Nga này. Theo Ủy ban điều tra Nga, vụ ám sát này đã được lên kế hoạch kỹ càng và địa điểm ám sát được lựa chọn một cách cẩn thận. Các sát thủ đã đi ô tô và sử dụng súng lục Makarov - loại súng được dùng trong lực lượng cảnh sát và quân đội Nga - để bắn ông Nemtsov từ sau lưng.
Ủy ban Điều tra Nga hiện đang tiếp tục xem xét liệu vụ án này có liên quan gì đến các sự kiện ở Ukraine, cuộc tấn công khủng bố Charlie Hebdo ở Paris hay hoạt động kinh doanh riêng của ông Nemtsov.
Cũng có ý kiến cho rằng vụ sát hại chính trị gia đối lập này mang động cơ chính trị. Phát ngôn viên Ủy ban điều tra Nga Vladimir Markin cho rằng vụ giết người nàycó thể là một hành động khiêu khích nhằm gây mất ổn định chính trị Nga.
Đồng quan điểm này, cựu Tổng Bí thư Liên Xô Gorbachev coi việc ám sát thủ lĩnh đối lập Nga Boris Nemtsov là một âm mưu làm cho nước Nga bất ổn. Theo ông Gorbachev “Việc ám sát ông Boris Nemtsov là nhằm làm phức tạp tình hình ở đất nước, thậm chí nhằm gây bất ổn bằng cách làm gia tăng căng thẳng giữa chính phủ và phe đối lập”.
Ngày hôm nay (1/3) có khoảng 50.000 người tham gia một cuộc diễu hành để tưởng nhớ đến Chủ tịch Đảng đối lập Boris Nemtsov.
Binh sỹ Ukraine ở miền Đông nước này (Ảnh: Reuters) |
2. Ngày 28/2, một nhà báo người Ukraine đã thiệt mạng trong vụ bắn pháo ở miền Đông Ukraine. Sự việc xảy ra trong hoàn cảnh, thỏa thuận ngừng bắn tại vùng miền Đông chiến sự đang có hiệu lực, song rất mong manh.
Diễn biến mới nhất này cùng với việc 3 binh sĩ Ukraine thiệt mạng ngày 27/2 - 2 ngày sau khi quân chính phủ và phe đối lập thực thi lệnh ngừng bắn tại miền Đông nước này cho thấy sự mong manh của thỏa thuận hòa bình Minsk-2 và thỏa thuận này có nguy cơ chết yểu.
Trước đó, ngày 26/2, Kiev tuyên bố đã bắt đầu rút các khẩu pháo 100 ly ra khỏi vùng chiến sự trong khi phe đối lập tuyên bố đã gần như hoàn tất việc rút các loại vũ khí hạng nặng.
Theo các quan sát viên OSCE đang quan sát việc thực thi thỏa thuận Minsk-2, dù đã chứng kiến việc các bên rút các loại vũ khí hạng nặng khỏi nơi xảy ra giao tranh, vẫn còn quá sớm để cho rằng hai bên sẽ thực thi đầy đủ việc này và cũng còn quá sớm để nói hòa bình đã trở lại với miền Đông Ukraine.
Căng thẳng tại Ukraine còn có thể bị đẩy lên một nấc thang mới khi nhiều nước thanh viên NATO đã đánh tiếng về việc sẽ đưa lực lượng quân sự của mình tới Ukraine. Động thái này có thể khiến căng thẳng vốn có giữa Nga và NATO leo thang
Hình ảnh gây sốc khi các tay súng IS đập phá cổ vật có từ nhiều ngàn năm trước (Ảnh chụp từ clip) |
3. Không chỉ khiến dư luận thế giới phẫn nộ vì những vụ giết người tàn bạo, mới đây tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) còn khiến nhiều người sốc khi công bố đoạn video các phiến quân của tổ chức này ngang nhiên phá hủy nhiều bức tượng điêu khắc lớn tại Hatra, di sản văn hóa thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận tại thành phố Mosul mà IS đang chiếm đóng.
Trước đó, các hãng tin quốc tế ngày 23/2 dẫn thông tin từ chính quyền tỉnh Anbar (Iraq) cho biết, IS đã đốt phá hơn 10.000 cuốn sách và các tư liệu tại một loạt khu vực thuộc tỉnh Anbar do chúng kiểm soát.
Ngày 27/2, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã kịch liệt lên án tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng phá hủy các di vật văn hóa và tín ngưỡng cổ tại Iraq. Hội đồng Bảo an cũng kêu gọi tăng cường nỗ lực chung của Chính phủ và các thể chế trên thế giới và khu vực nhằm đối phó với IS.
Trước đó ngày 24/2, một số nguồn tin cho biết, phiến quân IS đã bắt cóc ít nhất 90 người tại ngôi làng của người Cơ đốc giáo ở đông bắc Syria khi chúng tiến hành cuộc đột kích vào đây.
Ngày 26/2, các phương tiện truyền thông đưa tin rằng “Jihadi John” (chiến binh John) xuất hiện trong các video chặt đầu con tin của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo là một người đàn ông có tên Mohammed Emwazi đến từ London.
“Jihadi John” được cho là một người Anh, lớn lên ở Tây London và đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành lập trình máy tính. Tên này được cho là đã đến Syria vào năm 2012 và gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Lực lượng người Kurd phản công IS (ảnh: Arab-springnews) |
4. Liên quan tới cuộc chiến chống IS, ngày 22/2, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter rời Kandahar, Afghanistan, tới Kuwait để thảo luận những chiến lược chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Hiện Liên minh chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu đang tiếp tục các chiến dịch không kích mạnh mẽ nhằm vào mục tiêu của IS tại Iraq và Syria.
Song song với việc thực hiện chiến dịch không kích, Mỹ dự kiến sẽ gửi khoảng 10.000 khẩu súng trường M-16 và các trang thiết bị quân sự khác trị giá khoảng 17,9 triệu USD đến Iraq để hỗ trợ lực lượng an ninh Iraq chuẩn bị cho một chiến dịch mùa Xuân nhằm chiếm lại thành phố lớn thứ 2 Mosul của nước này.
Các quan chức Mỹ cho biết, Mỹ và liên quân sẽ sớm bắt đầu hoạt động đào tạo binh lính Iraq tham gia vào chiến dịch chiếm lại Mosul từ tay nhóm phiến quân IS. Chiến dịch này sẽ cần có sự tham gia của ít nhất 20.000- 25.000 binh lính Iraq và người Kurd.
Tuần trước, lực lượng an ninh Iraq cũng đã tiến hành một cuộc phản công lớn nhằm vào nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại tỉnh Salahudin, miền Trung nước này.
Đại diện Mỹ-Cuba trong cuộc gặp mặt tại Washington ngày 27/2 (Ảnh Reuters) |
5. Ngày 27/2, Mỹ và Cuba tiến hành vòng đàm phán thứ hai về việc bình thường hóa quan hệ song phương. Vòng đàm phán lần này được tổ chức tại thủ đô Washington, Mỹ.
Phát biểu sau cuộc họp, đoàn đại biểu Cuba đánh giá có những bước tiến tốt được đưa ra, nhưng hai bên vẫn chưa xác định được thời điểm để khôi phục mối quan hệ ngoại giao và cũng chưa thông báo ngày họp tiếp theo.
Hai bên tiếp tục duy trì tiếp xúc và các nhà đàm phán Cuba lạc quan sẽ có nhiều bước tiến được đưa ra trong những tuần sắp tới về vấn đề danh sách tài trợ cho khủng bố.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (Ảnh: PressTV) |
6. Trong khi mối quan hệ Mỹ-Cuba đang có dấu hiệu ấm lên thì quan hệ Mỹ và một nước Mỹ Latinh khác là Venezuela lại diễn biến theo chiều hướng ngược lại.
Căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Venezuela đang có nhiều dấu hiệu leo thangnhanh chóng khi ngày 28/2 Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt ngoại giao mới cùng thông báo bắt giữ một số công dân Mỹ với cáo buộc hoạt động gián điệp.
Phát biểu tại cuộc tuần hành hòa bình nhằm phản đối những âm mưu can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ diễn ra ngày 28/2, Tổng thống Venezuela Maduro thông báo áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt ngoại giao nhằm vào Mỹ.
Không chỉ giảm bớt số lượng nhân viên ngoại giao của Mỹ, Venezuela còn đưa ra danh sách công dân Mỹ cấm nhập cảnh vào nước này trong đó có nhiều chính khách Mỹ liên quan đến các quyết định ném bom nhằm vào Syria, Iraq hay Afghanistan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.