Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi các bên "kiềm chế tối đa" sau vụ ám sát nhà lãnh đạo của Hamas, Ismail Haniyeh.
Vụ ám sát khiến cộng đồng quốc tế lo ngại có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và xóa bỏ hy vọng mong manh về việc đạt được lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến ở Gaza.
"Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tối đa và tránh mọi hành động leo thang. Không một quốc gia hay dân tộc nào có thể hưởng lợi từ sự leo thang hơn nữa ở Trung Đông ", Peter Stano, người phát ngôn về các vấn đề đối ngoại của Ủy ban châu Âu (EU), cho biết.
"EU có lập trường nguyên tắc là phản đối các vụ giết người ngoài vòng pháp luật và ủng hộ pháp quyền, bao gồm cả trong công lý hình sự quốc tế", ông Peter Stano nêu rõ.
Nhà lãnh đạo Haniyeh đã bị ám sát vào sáng 31-7 trong một cuộc không kích tại thủ đô Tehran, Iran - nơi ông đã đến để tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran, Masoud Pezeshkian. Hamas ngay lập tức đổ lỗi cho Israel về vụ tấn công và tuyên bố Haniyeh là "liệt sĩ".
Cánh vũ trang Hamas, Lữ đoàn Al-Qassam, đánh giá vụ ám sát "đưa cuộc chiến lên một mức độ mới và sẽ gây ra hậu quả lớn cho toàn bộ khu vực" và rằng, Israel "đã tính toán sai lầm khi mở rộng phạm vi xâm lược".
Trong khi đó, Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã thề sẽ "trừng phạt nghiêm khắc" đối với Israel.
Chính phủ Israel chưa bình luận về vụ ám sát.
Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Oman đã lên án động thái này, cảnh báo rằng, sự việc sẽ gây nguy hiểm cho các nỗ lực hòa giải kéo dài nhiều tháng nhằm đảm bảo lệnh ngừng bắn. Trung Quốc và Nga, hai đồng minh của Iran, cũng đã lên tiếng chỉ trích.
Nhà Trắng cho biết, Mỹ không hề biết trước về cuộc không kích và cùng chung tiếng nói kêu gọi giảm leo thang.
Vài giờ trước vụ ám sát ông Haniyeh, quân đội Israel đã tấn công thủ đô Beirut của Lebanon, nhắm vào một chỉ huy cấp cao của Hezbollah để trả đũa vụ giết hại 12 người hôm 27-7 tại Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát. Hezbollah đã phủ nhận mọi trách nhiệm.
Những diễn biến liên tiếp nhanh chóng đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự rộng lớn và khó lường liên quan đến một số bên trong khu vực, bao gồm cả Iran. Đồng thời cũng đã đặt ra những quan ngại nghiêm trọng về thỏa thuận ba giai đoạn mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất để chấm dứt chiến tranh ở Gaza, vốn là cơ sở cho các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas.
Nhà lãnh đạo Haniyeh, người chủ yếu sống ở Qatar kể từ khi rời Gaza vào năm 2019, được coi là một nhân vật chủ chốt trong các cuộc đàm phán này.
Trước đó, ngày 31-7, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell, đã phát biểu: "Chúng ta phải yêu cầu các biện pháp giảm căng thẳng và tránh chiến tranh có thể ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực và xa hơn nữa. Và chúng ta cần lệnh ngừng bắn ở Gaza ngay bây giờ”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.