(HNM) - Trong vòng 2 năm qua, kể từ khi giá dầu giảm sâu xuống dưới ngưỡng 60 USD/thùng, một câu hỏi thường xuyên được đặt ra mỗi khi các thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) gặp mặt là: Có cắt giảm sản lượng không? Đây cũng là nội dung chương trình nghị sự chính trong cuộc họp cấp bộ trưởng
Giá dầu thô được dự báo khó có thể bứt phá trong ngắn hạn. |
Thời gian qua, OPEC đã thành công trong việc bảo vệ thị phần, hạn chế đáng kể sản phẩm dầu của Mỹ khi duy trì nguồn cung lớn để giá dầu thô giảm mạnh, thậm chí có lúc xuống dưới ngưỡng 30 USD/thùng. Tuy nhiên, bản thân các nước thành viên cũng chịu những hậu quả trong “cuộc chiến” giá cả này. Trong đó, Venezuela rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng còn Saudi Arabia phải huy động nguồn tài chính trên thị trường trái phiếu quốc tế. Trong bối cảnh như vậy, cuộc họp tại Vienna được cho là nhằm hoàn thiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng xuống mức 32,5- 33 triệu thùng/ngày và giá dầu nhiều khả năng sẽ phá được ngưỡng tâm lý 50 USD/thùng. Mục đích của OPEC là bình ổn thị trường, hỗ trợ giá dầu nhưng không muốn kéo theo sự trỗi dậy của các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ.
Hiện mức sản lượng của OPEC đạt 33,82 triệu thùng/ngày. Nếu các thành viên OPEC có được sự đồng thuận, Saudi Arabia sẽ cắt giảm sản lượng từ 10,54 triệu thùng/ngày xuống 10,07 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, quốc gia đứng đầu OPEC này phải chịu nhiều áp lực khi 2 thành viên đứng sát sau là Iran và Iraq đều tìm cách thoái lui. Hai nước này cho rằng, tổng sản lượng của Iran và Iraq cộng lại chỉ nhỉnh hơn 8 triệu thùng/ngày, thấp hơn nhiều so với mức 10,5 triệu thùng/ngày hiện nay của Saudi Arabia.
Với Iraq, nước này cho biết đang cần nguồn thu từ “vàng đen” để tiếp tục cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Còn với Iran, trong bối cảnh vừa mở cửa với thế giới, quốc gia Hồi giáo còn đặt kỳ vọng sản xuất 4,2 triệu thùng/ngày. Tehran cũng cho rằng, yêu cầu cắt giảm hay đóng băng sản lượng dầu của nước này trong thời điểm hiện nay là thiếu công bằng. Các thành viên khác như Libya hay Nigeria cũng đòi quyền lợi riêng với lý do xung đột và bất ổn. Vì vậy, cuộc họp cấp chuyên gia ở Vienna cách đây 2 ngày đã thất bại. Căng thẳng tiếp tục gia tăng sau khi Iran gửi thư đề nghị tới OPEC, trong đó nêu rõ muốn Saudi Arabia cắt giảm sản lượng xuống 9,5 triệu thùng/ngày, gấp đôi mức đề xuất của Riyadh.
Trước tình hình trên, trong phiên giao dịch ngày 29-11, giá dầu thế giới giảm gần 4% do thị trường e ngại các nhà sản xuất dầu lớn khó có thể cắt giảm sản lượng. Kết thúc phiên, tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 1-2017 giảm 1,85 USD xuống 45,23 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn giảm 1,86 USD xuống còn 46,38 USD/thùng tại Luân Đôn (Anh). Trong một bình luận mới đây, Tổng Thư ký OPEC Mohammed Barkindo đã thừa nhận, tổ chức này đang ở giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử khi các nước thành viên đứng trước thách thức phải xây dựng sự đồng thuận về việc ổn định thị trường. Ông Barkindo cũng cảnh báo những hậu quả khôn lường nếu không đạt được kế hoạch cắt giảm sản lượng thời gian tới đây.
Giá dầu vốn đã giảm hơn 50% từ mức đỉnh 115 USD/thùng hồi tháng 6-2014. Trong trường hợp OPEC đạt được thỏa thuận cuối cùng liên quan đến vấn đề cắt giảm sản lượng, giá dầu có thể sẽ vọt lên 53-55 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu cao cũng có thể thúc đẩy các nhà sản xuất dầu khí đá phiến của Mỹ tăng sản lượng. Như vậy, thị trường tiếp tục rơi vào tình trạng dư cung. Vì thế, hầu hết giới phân tích cho rằng triển vọng của thị trường dầu mỏ thế giới vẫn ảm đạm trong năm 2017. Một khi cuộc họp OPEC thất bại có thể sẽ khiến giá dầu giảm xuống 35 USD/thùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.