Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường dầu mỏ: Biến số khó lường

Thùy Dương| 19/02/2023 06:36

(HNM) - Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2023 sẽ tăng sau khi Trung Quốc chấm dứt chính sách kiểm soát dịch Covid-19 nghiêm ngặt và triển vọng kinh tế thế giới khởi sắc hơn.

Tuy nhiên, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng 10 nước đối tác (OPEC+) vẫn sẽ duy trì việc cắt giảm sản lượng cho tới cuối năm 2023. Việc OPEC khó có thể tăng sản lượng trong ngắn hạn cho thấy thị trường dầu mỏ vẫn còn nhiều biến số khó lường.

Công nhân vận hành đường ống dẫn dầu tại giếng dầu Bai Hassan, thành phố Kirkuk (Iraq).

Trong ấn bản mới nhất của Báo cáo thị trường dầu mỏ hằng tháng (MOMR), OPEC đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2023 thêm 100.000 thùng/ngày lên 2,3 triệu thùng/ngày so với dự báo đưa ra trước đó, tương đương 2,3%. OPEC coi nhiên liệu vận tải là động lực chính của nhu cầu dầu mỏ, với mức tiêu thụ xăng và dầu diesel được dự báo sẽ tăng 1,1 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2022. Nhu cầu nhiên liệu máy bay phản lực dự kiến cũng sẽ tăng 1,1 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2022 khi du lịch phục hồi.

Báo cáo của OPEC lạc quan về triển vọng kinh tế, nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 từ 2,5% lên 2,6%, mặc dù tổ chức này nhận định sự suy giảm tương đối vẫn còn rõ ràng do lạm phát cao và lãi suất dự kiến sẽ tăng thêm. OPEC cũng tế nhị đề cập đến một số lo ngại về kinh tế toàn cầu, bao gồm mức lạm phát, các biện pháp thắt chặt tiền tệ, mức nợ công cũng như căng thẳng địa chính trị sẽ ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu.

Sản lượng dầu thô của OPEC đã giảm trong tháng 1-2023 sau khi liên minh OPEC+ cam kết cắt giảm sản lượng để hỗ trợ thị trường. Vào tháng 11-2022, khi giá dầu suy yếu, OPEC+ đã đồng ý giảm mục tiêu sản lượng 2 triệu thùng/ngày - mức lớn nhất kể từ năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát.

OPEC cũng hạ dự báo tăng trưởng nguồn cung năm 2023 từ các nhà sản xuất bên ngoài liên minh xuống 1,4 triệu thùng/ngày, với lý do kỳ vọng thấp hơn từ Nga và Mỹ. Tuần trước, Nga cho biết sẽ cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày vào tháng 3-2023 sau khi phương Tây áp đặt trần giá đối với dầu và các sản phẩm dầu của Nga.

Năm 2022, giá dầu thô đã tăng vọt lên gần mức cao kỷ lục trong bối cảnh lo ngại thị trường dầu mỏ bị gián đoạn sau cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhưng sau đó giảm trở lại do nguồn cung của Nga bị giữ lại và suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu, đặc biệt là ở châu Âu.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, nguồn cung dầu của Nga đã “ổn định” trong tháng 12 năm ngoái, ở mức 11,2 triệu thùng/ngày, bất chấp các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với việc nhập khẩu dầu thô của Nga. Sau khi tăng lên mức cao nhất trong 14 năm là gần 140 USD/thùng vào tháng 3-2022, giá dầu Brent hiện đang giao dịch trong khoảng 80-85 USD/thùng.

Tuy nhiên, IEA dự báo rằng thị trường dầu mỏ toàn cầu có thể “nhanh chóng thắt chặt” khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây - đặc biệt là lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm tinh chế của Nga từ ngày 5-2 của EU có hiệu lực.

Trong bối cảnh này, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman ngày 16-2 cho biết thỏa thuận hiện nay của OPEC+ về việc cắt giảm sản lượng sẽ được duy trì cho tới cuối năm 2023 nhằm hỗ trợ thị trường năng lượng toàn cầu. Saudi Arabia vẫn thận trọng với dự báo về nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc, cũng như chưa thể đánh giá rõ về việc các nước sẽ kéo dài chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khóa đến khi nào. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cũng nhấn mạnh rằng OPEC+ không thể tăng sản lượng chỉ dựa vào các dấu hiệu về lượng cầu.

Theo các chuyên gia kinh tế, động thái của OPEC+ có thể làm tăng thêm áp lực lạm phát ở Mỹ và châu Âu, đồng thời cho thấy tổ chức này đang ưu tiên giá cả hơn là sự ổn định vào thời điểm thị trường dầu có nhiều biến động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường dầu mỏ: Biến số khó lường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.