(HNM) - Những tranh cãi lịch sử xung quanh vụ thảm sát người Armenia thời Thế chiến I đang phủ bóng lên mối quan hệ giữa Đức với Thổ Nhĩ Kỳ...
Tại cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch Hạ viện Đức Nobert Lammert tuyên bố, Chính phủ hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ không phải chịu trách nhiệm về một sự kiện đã xảy ra từ Chiến tranh Thế giới thứ nhất, nhưng cần phải có trách nhiệm với những gì liên quan trong tương lai.
Trẻ em Armenia chạy trốn thảm sát tại một trại tị nạn vào năm 1915 - Ảnh: BBC |
Dưới thời Đế chế Ottoman, người Armenia luôn bị coi là công dân hạng hai. Các cuộc nổi dậy lác đác của họ thường bị đàn áp không thương tiếc. Khi Thế chiến I nổ ra, giới lãnh đạo Ottoman xem cộng đồng thiểu số Armenia là mối đe dọa lớn vì nghi ngờ họ ủng hộ Sa hoàng Nga - kẻ thù không đội trời chung của Đế chế Ottoman.
Ngày 24-4-1915, hàng trăm học giả cũng như lãnh đạo cộng đồng Armenia tại Constantinople (nay là thành phố Istanbul ở Thổ Nhĩ Kỳ) đã bị bắt giữ và bỏ tù. Hầu hết trong số này sau đó đã bị hành quyết hoặc lưu đày. Người dân Armenia xem đây là chiến dịch mở màn cho việc tận diệt dân tộc họ. Do đó, hàng trăm nghìn người Armenia vội vã rời bỏ quê hương đến các vùng sa mạc cằn cỗi và bị chết đói. Hàng nghìn người khác bị tịch thu tài sản, lưu đày hoặc bỏ mạng trong các vụ xung đột bạo lực. Những người sống sót đã được đưa tới các trại tập trung.
Nhiều nguồn tài liệu của các nhà ngoại giao và giới chức tình báo thời đó cho biết, quân lính Đế chế Ottoman đã dùng nhiều biện pháp độc ác để giết hại hàng loạt người Armenia, từ phóng hỏa, đầu độc cho đến dùng súng... Chính phủ Armenia sau này khẳng định có tới 1,5 triệu người dân nước này bị sát hại trong những năm 1915-1917 và buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải xem đây là hành động diệt chủng. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ trước sau vẫn cương quyết chối bỏ và lập trường của họ là không có một chiến dịch quy mô như thế. Chỉ thừa nhận đây là vụ thảm sát, Ankara khẳng định chỉ có chừng 500.000 người Armenia thiệt mạng và nói thêm rằng nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã chết trong giai đoạn này. Thổ Nhĩ Kỳ cũng phản ứng mạnh mẽ nước nào công nhận việc 1,5 triệu dân Armenia thiệt mạng là hành động diệt chủng.
Năm 1995, khi Nga tuyên bố khẳng định đây là hành động diệt chủng thì một loạt nước khác trên thế giới bắt đầu nối gót như: Canada (1996), Lebanon (1997), Bỉ (1998), Pháp (1998), Hy Lạp (1999), Italia (2000), Thụy Sĩ (2003), Argentina (2004), Slovakia (2004), Hà Lan (2004), Venezuela (2005), Ba Lan (2005), Lithuania (2005), Chile (2007), Thụy Điển (2010) và Bolivia (2014). Như vậy, sau những cuộc tranh luận nảy lửa, cho đến nay đã có hơn 20 nước trên thế giới, cùng nhiều tổ chức quốc tế như Nghị viện Châu Âu, Hội đồng Châu Âu đã quyết định công nhận có vụ diệt chủng người Armenia. Năm 2000, 126 nhà nghiên cứu, trong đó ông Eli Wiesel, người Mỹ đoạt giải Nobel Hòa bình và nhiều nhân vật nổi tiếng khác đã ra thông cáo khẳng định vụ diệt chủng nói trên là "một sự thật lịch sử không thể bác bỏ". Trong thời gian gần đây, ngay chính tại Thổ Nhĩ Kỳ thái độ đối với vụ diệt chủng cũng đã có nhiều thay đổi lớn. Minh chứng là, nhà sử học Iklber Ortayli, giảng viên Đại học Galatasaray, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), kêu gọi giới sử học hai nước nghiên cứu thật cặn kẽ về giai đoạn lịch sử này để "đi đến tận cùng sự thật".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.