Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ám ảnh “Mưu sinh”

Hải Giang| 28/03/2015 07:39

(HNM) - Chiều 27-3, tại Hà Nội, TS Nguyễn Huy Hoàng (hiện sống và làm việc tại Nga) đã cho ra mắt tuyển truyện - ký




"Mưu sinh" trải theo thời gian từ những năm cuối thế kỷ XX cho đến những năm đầu thế kỷ XXI. Bên cạnh những tác phẩm tuyển chọn từ truyện ký "Mátxcơva thời mở cửa" và ký "Đếm bước cuộc hành trình" của tác giả đã xuất bản trước đó, tập sách này có bổ sung thêm một số bài viết về nước Nga giai đoạn khủng hoảng. Bên cạnh đó là một số bài ghi lại thời kỳ mới đầy "sóng gió" và thử thách của nước Nga cũng như cộng đồng người Việt trong cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề từ cuối năm 2014.

TS Nguyễn Huy Hoàng viết: "Trong cuốn sách này tôi dành một sự quan tâm thích đáng cho mảng đề tài về cuộc sống Nga, bức chân dung đa dạng về sự biến cải thăng trầm của xã hội...". Tuyển truyện - ký cũng cho thấy ông đã "nhận thức đánh giá người Nga một cách khách quan thay vì chỉ một chiều như trước". Để từ đó "hiểu vì sao nước Nga là một cường quốc về văn hóa, vì sao mảnh đất Nga ai đi qua dẫu chỉ một lần vẫn nặng lòng mãi mãi; đồng thời cũng hiểu vì sao nước Nga giàu có, phì nhiêu vẫn chưa chạm tới đích Châu Âu trong nhiều lĩnh vực" và bên cạnh đó ông bày tỏ: "Tôi cũng muốn biết chúng ta hiện là ai trong con mắt nhân dân Nga". Những điều này có ý nghĩa vượt ra ngoài khuôn khổ một cuốn sách, nó liên quan mật thiết đến sự tự nhận biết của chúng ta trong việc định giá bản thân, kiến tạo đất nước. Nó là câu hỏi luôn cần thiết trên mỗi cuộc hành trình của cá nhân và cả cộng đồng, trong bối cảnh thế giới đầy biến động.

23 truyện ngắn và 31 bài ký có thể làm nản lòng những ai chưa sẵn sàng cho một cuộc "trở về" hoặc "bước vào" một nước Nga mưu sinh rất cụ thể của cộng đồng người Việt ở đây. Bởi lẽ trên mỗi trang giấy, từng hàng chữ đều cố gắng tải một lượng thông tin nhiều nhất có thể về đa tầng cuộc sống của những người Việt ở Nga từ bữa ăn, giấc ngủ, học tập, buôn bán đến những day dứt để tồn tại...

Mạnh về ký, những truyện ngắn của TS Nguyễn Huy Hoàng cũng phảng phất chất ký sự. Có những truyện man mác kỷ niệm như "Gặp lại", nhưng cũng có truyện ám ảnh như "Đứa con". Ký "Những người Nga" khiến ta nhớ đến hồi ức gần như đồng nhất một thời của những người Việt về nước Nga, đó là hình ảnh bà mẹ Nga nhân hậu, tấm lòng Nga chân thành, người thầy Nga cao cả... Những trang viết khác như "Nổi trôi chất xám Việt" lại đưa người đọc trở lại với nỗi ám ảnh trí thức Việt ở Nga với gánh nặng chuyển giai cấp từ "mái giấy dầu" sang "mái bằng"... Rồi gần nhất là chuyện sinh sống làm ăn của người Việt hiện nay như trong bài "Giữa bốn bề giông bão".

Ở trang viết nào TS Nguyễn Huy Hoàng cũng cho thấy cái nhìn của người giỏi quan sát, nhạy cảm trước những biến chuyển của cuộc sống, tình người. Trong đó có những bài ký như "Trở về từ địa ngục" khiến người đọc bàng hoàng. Không phải chỉ vì nỗi đau đớn của cô gái bị bán sang Nga mà hết thảy là vì tình cảm bao bọc, cưu mang nhau của người Việt ta ở nước ngoài. Một câu chuyện gai góc nhưng cho thấy sức mạnh tình đồng bào và lòng tin sâu sắc nơi con người.

"Mưu sinh" ngồn ngộn sự kiện, đan cài những hồi ức, cảm xúc... Tác phẩm một lần nữa cho thấy văn học trân trọng và vẫn cần biết bao những trang viết đền đáp tâm hồn Nga, tính cách Nga, những trang viết trả nợ một thời không thể nào quên của những trí thức, người lao động Việt Nam từng buồn vui khổ đau và hạnh phúc ở xứ sở này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ám ảnh “Mưu sinh”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.