(HNMO) - Theo Ths Vũ Ngọc Long-Trưởng phòng Kiểm dịch y tế biên giới - Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, tất cả mọi người đều có thể nhiễm vi rút và mắc bệnh Zika...
Tuy nhiên, bệnh chủ yếu ở thể vừa và nhẹ, có khoảng 80% số trường hợp nhiễm vi rút Zika không biểu hiện triệu chứng lâm sàng; gần đây đã ghi nhận một số trường hợp tử vong ở những đã có sẵn một số bệnh mạn tính.
Chiều nay (18/3), Báo Hànộimới Điện tử đã tổ chức buổi tư vấn trực tuyến về bệnh do vi-rút Zika. Tại đây, Ths Vũ Ngọc Long-Trưởng phòng Kiểm dịch y tế biên giới -Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế đã trả lời các câu hỏi của độc giả liên quan đến bệnh này. Dưới đây là nội dung tư vấn:
-Xin BS cho biết bệnh do virus Zika là gì? Triệu chứng của bệnh? Xin cảm ơn (bạn đọc Thanh Hòa, quận Cầu Giấy).
- Ông Vũ Ngọc Long: Cảm ơn bạn đã quan tâm đến vấn đề này. Tôi xin trả lời: Bệnh do vi-rút Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch. Vi rút Zika được phát hiện đầu tiên ở loài khỉ tại khu rừng Zika của Uganda vào năm 1947 và phát hiện trên muỗi vào năm 1948 và sau đó năm 1952 bắt đầu ghi nhận trường hợp mắc trên người. Người bệnh có biểu hiện như sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu.
- Bệnh này nguy hiểm như thế nào? Những lứa tuổi nào dễ mắc?, thưa BS (bạn đọc Tuấn Minh, quận Thanh Xuân).
- Ông Vũ Ngọc Long:Tất cả mọi người đều có thể nhiễm vi rút và mắc bệnh, tuy nhiên bệnh chủ yếu ở thể vừa và nhẹ, có khoảng 80% số trường hợp nhiễm vi rút Zika không biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Gần đây đã ghi nhận một số trường hợp tử vong ở những đã có sẵn một số bệnh mạn tính.
Ths Vũ Ngọc Long-Trưởng phòng Kiểm dịch y tế biên giới -Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế |
Có một số bằng chứng cho rằng vi rút Zika có mối liên quan đến hội chứng não nhỏ ở trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm vi rút Zika trong thời kỳ mang thai và hội chứng viêm đa rễ và dây thần kinh Guillain-Barré khi bị nhiễm vi rút Zika; tuy nhiên Tổ chức Y tế thế giới cho rằng vẫn cần thêm bằng chứng khoa học để khẳng định mối liên quan này.
-Tôi nghe nói bệnh do vi rút Zika khiến dị tật thai nhi? Có đúng không? Nếu đúng thì bệnh này ảnh hưởng cụ thể như thế nào đến thai nhi ạ? (bạn đọc Quỳnh Anh, quận Hòa Kiếm).
-Ông Vũ Ngọc Long:Hiện nay đã có một số bằng chứng cho rằng vi rút Zika có mối liên quan đến hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm vi rút Zika trong thời kỳ mang thai; tuy nhiên Tổ chức Y tế thế giới cho rằng vẫn cần thêm bằng chứng khoa học để khẳng định mối liên quan này do hiện có nhiều nguyên nhân có thể liên quan đến chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh như các nhiễm trùng, nhiễm độc tố của bà mẹ trong quá trình mang thai, những lỗi của gen, …
Chứng não nhỏ là hiện tượng hiếm gặp ở trẻ sơ sinh có đầu nhỏ hơn bình thường do sự phát triển não bất thường trong bào thai. Trẻ mắc chứng não nhỏ có thể bị chết ngay trong khi bào thai hoặc chậm phát triển về tinh thần sau khi sinh ra do não không phát triển hoặc phát triển chậm hơn bình thường.
- Nghe đài báo nói về bệnh này mà tôi lo sợ quá. Tôi đang mang thai tháng thứ 2. Tôi xin hỏi, đã có vắc xin phòng bệnh do vi rút Zika chưa? Nếu chưa thì những người mang thai cần phòng bệnh này như thế nào? (bạn Hồng Hoa, quận Cầu Giấy).
- Ông Vũ Ngọc Long:Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh do vi rút Zika; trước những nguy cơ tiền ẩn về các biến chứng của vi rút Zika đối với các thai nhi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là các phụ nữ đang mang thai hoặc có dự định có thai nên áp dụng một số biện pháp sau:
Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika khi không cần thiết. Danh sách các quốc gia lưu hành hoặc ghi nhận vi rút Zika được cập nhật trên Website của Cục Y tế dự phòng: http:www.vncdc.gov.vn
Người đi/đến/về từ quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị. Điện thoại đường dây nóng: 0989 671. 115.
Người trở về từ quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) đang trong quá trình mang thai hoặc dự định có thai để tránh những biến chứng có thể xảy ra đối với thai nhi.
Để phòng chống bệnh do vi rút Zika, người dân hãy áp dụng các biện pháp chống muỗi đốt, chủ động diệt muỗi và bọ gậy (loăng quăng).
-Xin BS cho biết, bệnh do vi-rút Zika lây theo con được nào? Những biện pháp để phòng chống hiệu quả? (bạn Thái Sơn, quận Ba Đình).
- Ông Vũ Ngọc Long:Hiện nay đường lây truyền chủ yếu của vi rút Zika là qua muỗi Aedes đốt (loại muỗi cũng truyền bệnh sốt xuất huyết), ngoài ra cũng có một số bằng chứng vi rút Zika có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu, từ mẹ sang con trong quá trình mang thai. Tuy nhiên chưa có bằng chứng về lây truyền qua sữa mẹ do đó việc các bà mẹ nên cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và thời gian tiếp theo đến khi hết sữa mẹ.
Các biện pháp phòng bệnh hiệu quả chủ yếu hiện nay là:
Tránh bị muỗi đốt: mặc quần áo dài để tránh bị muỗi đốt; xua muỗi bằng các loại thuốc xoa đuổi muỗi, dùng hương muỗi, máy đuổi muỗi; diệt muỗi bằng máy, vợt bắt muỗi, hóa chất diệt muỗi, loại trừ loăng quăng, bọ gậy bằng cách tiến hành lật úp các dụng cụ, thu dọn các vật dụng phế thải xung quanh nhà như vỏ chai, lon, hộp bia nước ngọt, lốp xe, vật dụng phế thải…, thay nước bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn…, vì chính các vật dụng này có khả năng chứa nước và là ổ chứa, nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết.
Không đến vùng có dịch: Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến các quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika khi không cần thiết.
Thực hiện tình dục an toàn: Người trở về từ quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) đang trong quá trình mang thai hoặc dự định có thai để tránh những biến chứng có thể xảy ra đối với thai nhi.
Người đi/đến/về từ quốc gia đang có dịch bệnh do vi rút Zika chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.
- Thưa BS, tôi nghe nói bệnh do vi-rút Zika có biểu hiện không rõ ràng, có đúng không? (bạn Thanh Hoa, quận Hoàng Mai)
- Ông Vũ Ngọc Long:Đúng, người mắc bệnh do vi rút Zika thường có biểu hiện như sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu, đây cũng là những dấu hiệu phổ biến của một số bệnh khác như sốt xuất huyết, cúm, … thêm vào đó, bệnh chủ yếu ở thể vừa và nhẹ, có khoảng 80% số trường hợp nhiễm vi rút Zika không biểu hiện triệu chứng lâm sàng.
-Bệnh này có giống bệnh sốt xuất huyết không? Làm thế nào để phân biệt bệnh do virus Zika và bệnh sốt xuất huyết? (bạn Văn Bình, quận Nam Từ Liêm).
-Ông Vũ Ngọc Long: Giai đoạn đầu của bệnh các triệu chứng của bệnh do vi rút Zika và bệnh sốt xuất huyết là khá giống nhau nhưng diễn biến của bệnh do vi rút Zika phần lớn có biểu hiện nhẹ, bệnh sốt xuất huyết thường có tiến triển nặng hơn và dễ dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, hiện nay các nhà khoa học đang quan tâm về tác động của vi rút đối với sự phát triển của não thai nhi của các bà mẹ bị nhiễm bi rút Zika. Việc phân biệt sớm hai bệnh này chủ yếu dựa vào xét nghiệm.
-Làm thế nào để nhận biết là mình đã mắc bệnh do virus Zika? Nếu mắc bệnh này bao nhiêu ngày sẽ khỏi? (bạn Tùng Lâm, quận Bắc Từ Liêm).
-Ông Vũ Ngọc Long:Phần lớn bệnh có thể tự khỏi trong khoảng 3-7 ngày. Việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào xét nghiệm.
-Bị bệnh do Zika có cần phải kiêng gì không thưa BS? Bệnh thường xảy ra vào mùa nào? (bạn Hòa Bình, quận Cầu Giấy).
- Ông Vũ Ngọc Long: Hiện nước ta chưa ghi nhận bệnh nhân nhiễm vi rút Zika nên chưa xác định được quy luật của bệnh theo mùa. Nếu bị nhiễm vi rút Zika, người bệnh không nên ăn kiêng mà cần phải ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng góp phần nhanh hồi phục sức khỏe.
-Xin BS cho biết, ở Việt Nam có lưu hành loại muỗi truyền vi-rút Zika không? Nếu có, làm thế nào để diệt các loại muỗi như thế nào? Vùng nào ở nước ta dễ mắc Zika. Cảm ơn BS (bạn Hoàng Minh, quận Hoàng Mai).
- Ông Vũ Ngọc Long:Vi rút Zika truyền bệnh chủ yếu qua muỗi Aedes, một loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phổ biến ở nước ta; hiện nay một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, và một số nước có chung đường biên giới như Lào, Campuchia cũng đã có sự lây truyền của vi rút Zika nên nguy cơ vi rút Zika xâm nhập và lan truyền ở nước ta là hoàn toàn có thể.
Tại nước ta, muỗi Aedes có ở hầu hết các địa phương nước nhưng tập trung nhiều hơn ở các tỉnh khu vực miền Nam, miền Trung và một số thành phố lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.