Sáng 30-4, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN) công bố kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý I-2025, với lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt gần 3.625 tỷ đồng.
Kết quả này chủ yếu đến từ sự bùng nổ của thị trường khách quốc tế, giá nhiên liệu giảm so với cùng kỳ, cùng với nỗ lực điều hành linh hoạt, hiệu quả.
Thị trường khách quốc tế dẫn dắt tăng trưởng sản lượng và doanh thu
Trong 3 tháng đầu năm 2025, lượng hành khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 11,7 triệu lượt, tăng 13,3% so với cùng kỳ; lượng khách nội địa đạt hơn 9 triệu lượt, tăng 3,6%.
Bám sát đà phục hồi mạnh mẽ, Vietnam Airlines Group ước vận chuyển gần 6,2 triệu lượt hành khách, trong đó riêng Vietnam Airlines vận chuyển hơn 6 triệu lượt, tăng lần lượt 6,7% và 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Các khu vực thị trường quốc tế đều ghi nhận tăng trưởng tích cực, với thị trường Ấn Độ tăng mạnh nhất 26,6%, kế đến là Trung Đông tăng 25,8%, và Đông Bắc Á tăng 13,6%.
Chất lượng khách quốc tế cũng cải thiện rõ nét, đặc biệt tại các thị trường doanh thu cao như Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Đối tượng khách doanh thu cao từ Nhật Bản đã phục hồi, đạt gần 90% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ năm 2024 phục hồi 60%).
Doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines trong quý I-2025 ước đạt gần 31.107 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt gần 3.625 tỷ đồng. Công ty mẹ Vietnam Airlines đạt doanh thu gần 25.019 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 3.044 tỷ đồng.
Giá nhiên liệu diễn biến thuận lợi, vận tải hàng hoá hỗ trợ hiệu quả sản xuất, kinh doanh
Vietnam Airlines hưởng lợi từ giá nhiên liệu bình quân duy trì ở mức khoảng 91 USD/thùng trong quý I-2025, thấp hơn gần 5% so với bình quân năm 2024 và thấp hơn nhiều so với dự báo, qua đó cải thiện hiệu quả chi phí.
Bên cạnh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa cũng ghi nhận kết quả tích cực, với doanh thu 3 tháng đầu năm 2025 vượt kế hoạch hơn 220 tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng lợi nhuận.
Trong bối cảnh Pratt & Whitney (PW) triệu hồi động cơ, Vietnam Airlines đã chủ động điều chỉnh lịch bay, tối ưu slot khai thác. Hiệu suất khai thác tàu bay tăng gần 10% so với cùng kỳ, cải thiện rõ rệt hiệu quả vận hành.
Vietnam Airlines cũng chủ động duy trì ổn định mạng bay nội địa, phân bổ lịch bay hợp lý, tối ưu hóa nguồn lực trong giai đoạn cao điểm quốc tế, đồng thời thuê bổ sung tàu bay.
Song song với kết quả kinh doanh tích cực, Vietnam Airlines triển khai nhiều hoạt động nổi bật trong quý I-2025, củng cố vị thế thương hiệu trên thị trường nội địa và quốc tế.
Trong lĩnh vực hợp tác tài chính, hãng đã ký Biên bản ghi nhớ trị giá 560 triệu USD với Citibank; ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Vietcombank; và ký kết với VNPT triển khai dịch vụ internet trên máy bay (IFC) cho đội tàu Airbus A350, đánh dấu bước tiến mới trong chiến lược nâng cao trải nghiệm hành khách.
Trên thị trường quốc tế, Vietnam Airlines liên tiếp khai trương và khôi phục nhiều đường bay trọng điểm như Hà Nội – Bengaluru, chuẩn bị mở thêm đường bay Hà Nội – Hyderabad, và nối lại các đường bay Đông Bắc Á.
Hãng cũng chính thức khai thác máy bay Boeing 787-9 mang biểu tượng chim Lạc, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam ra thế giới và chào mừng 30 năm thành lập.
Vietnam Airlines tiên phong triển khai ứng dụng định danh và xác thực điện tử toàn trình trong thủ tục bay, trở thành hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam áp dụng giải pháp sinh trắc học kết hợp định danh điện tử (VNeID), nâng cao trải nghiệm hành khách và thúc đẩy chuyển đổi số.
Trong quý I-2025, Vietnam Airlines tiếp tục ghi dấu ấn với nhiều giải thưởng uy tín: "Hãng hàng không dẫn đầu châu Á về bản sắc văn hóa" và "Hãng hàng không có dịch vụ trên không tốt nhất Việt Nam" của World Travel Awards; lần đầu tiên góp mặt trong "Top 25 hãng hàng không an toàn nhất thế giới" và "Top 25 hãng hàng không tốt nhất thế giới" do AirlineRatings.com bình chọn; đồng thời tiếp tục được vinh danh với giải "World’s Best Value Premium Economy" lần thứ hai liên tiếp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.