Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ai Cập: Vượt qua thử thách đầu tiên

Trung Hiếu| 05/12/2011 06:53

(HNM) - Tuần qua, Ai Cập đã bước đầu vượt qua cuộc tổng tuyển cử quan trọng. Những lo ngại đổ vỡ trong đợt bầu cử đầu tiên (28-11) đã được gỡ bỏ khi tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu cao hơn dự kiến và thời gian bầu cử đã được kéo dài thêm 2 tiếng so với kế hoạch ban đầu.


Trong ngày bầu cử, quân đội Ai Cập đã kịp thời ngăn chặn bạo loạn tại một địa điểm bỏ phiếu ở tỉnh Assuit thuộc miền Nam, trước đó, Đài Truyền hình Ai Cập đưa tin quân đội cũng đã chặn đứng một âm mưu tấn công các nhân viên phục vụ bầu cử…

Các nhân viên kiểm phiếu sau đợt bầu cử đầu tiên hôm 29/11 ở Cairo. Ảnh: AFP

Có được thành quả đó phải kể đến sự nỗ lực của lực lượng an ninh nước này. Bởi 9 ngày liên tiếp trước cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân (Hạ viện) khóa mới, hàng nghìn người đã biểu tình tại Quảng trường Tahrir phản đối quyết định bổ nhiệm Thủ tướng, đòi chấm dứt chế độ cầm quyền quân sự tại Ai Cập và yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Tối cao Các lực lượng vũ trang (CSFA) cầm quyền, Nguyên soái Hussein Tantawi cùng các tướng lĩnh CSFA trở về doanh trại của mình để nhường chỗ cho một hội đồng tổng thống dân sự và một chính phủ "bảo vệ dân tộc" điều hành đất nước cho tới khi có một tổng thống được dân bầu. Các cuộc đụng độ đã làm ít nhất 41 người thiệt mạng và hơn 2.000 người bị thương.

Tuy nhiên, sự cứng rắn của lực lượng an ninh đã ổn định được phần nào tình hình. Thậm chí, một ngày trước cuộc bỏ phiếu, ông H. Tantawi đã phải cảnh báo rằng, "hậu quả cực kỳ nghiêm trọng" nếu Ai Cập không vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay. Ông H. Tantawi cũng bác bỏ những lời kêu gọi ông và các tướng lĩnh khác trong CSFA từ chức, đồng thời cảnh báo không ai được phép gây sức ép lên các lực lượng vũ trang. Ông cũng cáo buộc "các bàn tay nước ngoài" đứng đằng sau làn sóng hỗn loạn vừa qua. Bên cạnh đó, thành công bước đầu của cuộc bầu cử Ai Cập còn phải kể đến sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo sở tại như Mohamed El-Baradei và Amr Mussa đối với Thủ tướng mới được bổ nhiệm Kamal al-Ganzuri. Đơn cử như cựu Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Mohamed El-Baradei, một trong những nhân vật chủ chốt trên chính trường Ai Cập, ngày 26-11, đã tuyên bố sẵn sàng từ bỏ tham vọng trở thành tổng thống để lãnh đạo chính phủ cứu quốc. Ông El-Baradei nhấn mạnh sẵn sàng đáp ứng những yêu cầu của lực lượng thanh niên cách mạng đang tập trung tại các quảng trường của Ai Cập và các lực lượng chính trị, đồng thời chịu trách nhiệm thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc đại diện cho tất cả các lực lượng trong nước. Trước cuộc bỏ phiếu, ông El-Baradei và ông Amr Moussa, cựu Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) đồng thời cũng là một ứng cử viên tiềm tàng trong cuộc bầu cử tổng thống, đã có cuộc gặp với ông H. Tantawi...

Trong bối cảnh hiện tại, dư luận cho rằng, Ai Cập đã thành công bước đầu trong cuộc tuyển cử. Tuy vẫn còn những cuộc xung đột, phá hoại nhỏ lẻ, nhưng người dân đã vững tin hơn. Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Tối cao Ai Cập, ông Abdel Moez Ibrahim cho biết, trong đợt bỏ phiếu đầu tiên, các cử tri đã lựa chọn 508 đại biểu Hội đồng nhân dân khóa mới. Nhưng, theo kế hoạch, cuộc bầu cử này sẽ có 3 đợt. Theo đó, đợt một được tổ chức ngày 28-11, tại 9/27 tỉnh, thành, trong đó có thủ đô Cairo. Đợt 2 và 3 diễn ra vào các ngày 14-12 và 3-1-2012. Kết quả cuối cùng dự kiến được công bố vào ngày 13-1-2012. Song song với cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân, cử tri Ai Cập cũng sẽ bầu chọn Hội đồng Shura (Thượng viện) và chia thành ba vòng, bắt đầu từ ngày 29-1 và kết thúc ngày 11-3-2012. Quốc hội mới của Ai Cập sẽ chịu trách nhiệm soạn thảo Hiến pháp mới để dọn đường cho một cuộc bầu cử Tổng thống vào trước cuối tháng 6-2012.

Có thể thấy, chặng đường hòa bình, ổn định phía trước của quốc gia này còn nhiều gian nan. Tuy nhiên, với thành công trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên, kể từ khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ tháng 2 năm nay, dư luận hy vọng một sự đổi thay không chỉ cho cuộc sống người dân nơi đây và có thể góp phần gỡ "ngòi nổ" tiềm tàng đe dọa khu vực Trung Đông, Bắc Phi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ai Cập: Vượt qua thử thách đầu tiên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.