(HNM) - Ai Cập lún sâu vào bế tắc khó tìm được lối thoát trong những ngày tới là nhận định của giới quan sát khi chứng kiến những gì đang diễn ra ở quốc gia Bắc Phi.
Sức tàn phá của "cơn bão" mang tên "Dự thảo Hiến pháp" đã và đang làm chính trường nước này chao đảo. Trong một diễn biến mới, ngày 5-12, bế tắc chính trị đã leo thang thành các vụ đụng độ bạo lực tại nhiều tỉnh, thành giữa những người biểu tình phản đối và ủng hộ Tổng thống Mohamed Morsi. Tại thủ đô Cairo, bên ngoài Phủ Tổng thống, đụng độ đã nổ ra khi phe đối lập và lực lượng Anh em Hồi giáo cùng kêu gọi biểu tình tại đây. Hai bên dùng súng tự chế, bom xăng và gạch đá tấn công lẫn nhau. Bộ Nội vụ Ai Cập đã điều động 3.000 cảnh sát tới tăng viện và sử dụng hơi cay và thậm chí cả xe tăng cũng đã được điều động tới Phủ Tổng thống để thiết lập lại trật tự. Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình cũng diễn ra tại nhiều địa phương khác như Alexandria, Suez và Mahalla... Theo thống kê, riêng trong ngày 5-12, các vụ đụng độ đã làm ít nhất 5 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Đây là ngày bạo lực đẫm máu nhất kể từ khi Tổng thống M.Morsi ra tuyên bố Hiến pháp - trao nhiều quyền lực cho tổng thống - gây tranh cãi vào ngày 22-11, làm dấy lên làn sóng biểu tình của phe đối lập.
Cũng trong ngày 5-12, Đại hội đồng các thẩm phán hành chính đã ra tuyên bố bác bỏ tuyên bố Hiến pháp gây tranh cãi của Tổng thống M.Morsi; đồng thời khẳng định sẽ không tham gia giám sát cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo Hiến pháp nếu Tổng thống M.Morsi không rút lại tuyên bố ngày 22-11. Ngoài ra, các thẩm phán cũng khẳng định sẽ tẩy chay bất cứ cuộc trưng cầu ý dân nào nếu các cơ quan tư pháp không cùng tham gia giám sát. Tối cùng ngày, 4 cố vấn của Tổng thống M.Morsi đã tuyên bố từ chức để phản đối các vụ tấn công người biểu tình bên ngoài Phủ Tổng thống, cũng như các quyết định gần đây của ông M.Morsi. Trong khi đó, ông Zaghloul al-Balshy, Tổng Thư ký Ủy ban Tối cao giám sát trưng cầu dân ý vừa được thành lập sáng 5-12, theo quyết định của Bộ Tư pháp Ai Cập, cũng từ nhiệm và kêu gọi Tổng thống M.Morsi đình chỉ "ngay lập tức" tuyên bố Hiến pháp. Trước đó, ngày 4-12, Mặt trận cứu quốc Ai Cập, gồm nhiều đảng phái chính trị như Đảng Hiến pháp, Đảng Xã hội Dân chủ, Đảng Liên minh nhân dân xã hội chủ nghĩa… mới thành lập dưới sự tập hợp của cựu ứng cử viên Tổng thống Hamdeen Sabbahi, cựu Tổng Thư ký Liên đoàn Arập Amr Moussa và nguyên Giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAEA) Mohamed ElBaradei… đã đưa ra 3 yêu cầu chính đòi Tổng thống M.Morsi phải đáp ứng với hạn chót vào hôm nay (7-12). Yêu cầu gồm: xem xét lại tuyên bố Hiến pháp của tổng thống, hủy bỏ cuộc trưng cầu ý dân dự thảo Hiến pháp (dự kiến vào ngày 15-12) và thành lập một hội đồng lập hiến mới để soạn thảo một hiến pháp "phản ánh" ý chí của nhân dân...
Tuy nhiên, xem ra những yêu cầu đó khó có thể nhận được sự tán đồng trọn vẹn từ chính quyền Cairo. Ngay sau các đòi hỏi của Mặt trận cứu quốc Ai Cập, tại cuộc họp báo ngày 5-12, Phó tổng thống Ai Cập Mahmoud Mekky đã gợi ý thành lập một nhóm khác để sửa đổi dự thảo Hiến pháp, nhưng khẳng định cuộc trưng cầu ý dân sẽ vẫn diễn ra. Trong khi đó, có nguồn tin tiết lộ, Văn phòng Tổng thống Ai Cập đang xem xét sửa đổi tuyên bố Hiến pháp, đặc biệt là điều khoản 2 và 6 quy định các cơ quan tư pháp không có quyền xem xét, hủy bỏ bất kỳ quyết định nào của tổng thống...
Dự thảo Hiến pháp gây mâu thuẫn dẫn tới bạo động tại Ai Cập - do Phong trào Anh em Hồi giáo (MB), của Tổng thống M.Morsi soạn thảo chủ trương đưa Ai Cập theo chính sách nhà nước Hồi giáo và mang đậm các nguyên tắc Hồi giáo - nếu được thông qua sẽ trao quyền nhiều hơn cho các giáo sĩ Hồi giáo; nhưng lại hạn chế tự do ngôn luận, quyền phụ nữ và nhiều quyền khác. Do đó, sự bùng phát làn sóng phản đối của nhiều tầng lớp dân chúng trước một nền tảng mới về luật pháp tại xứ Kim tự tháp là không quá khó hiểu.
Căng thẳng nối tiếp căng thẳng tại Ai Cập khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Ngày 5-12, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã lên tiếng hối thúc người Ai Cập đối thoại ngay lập tức về Hiến pháp mới để lập lại ổn định tại quốc gia Bắc Phi này. Tuy nhiên, với quan điểm, lợi ích riêng của mỗi bên tại Ai Cập như hiện nay thì một cuộc đối thoại để đi đến đồng thuận sẽ là rất khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.