(HNM) - Tiến trình phóng thích 2.000 tù nhân Taliban của chính quyền Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani trong những ngày qua như một cử chỉ thiện chí sau khi lực lượng nổi dậy bất ngờ đề xuất ngừng bắn trong kỳ nghỉ lễ Eid Al-Fitr. Động thái trên được xem như một phần của biện pháp xây dựng lòng tin, là lối mở cho các cuộc đàm phán giữa Kabul và Taliban về tương lai hòa bình của Afghanistan.
Kế hoạch phóng thích tù nhân Taliban được Chính phủ Afghanistan xúc tiến sau khi phiến quân Taliban ngày 24-5 bất ngờ đề xuất ngừng bắn 3 ngày nhân dịp lễ Eid Al-Fitr (bắt đầu từ ngày 23-5), đánh dấu kết thúc tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo. Taliban sau đó cũng đã nhất trí kéo dài lệnh ngừng bắn thêm 4 ngày hoặc nhiều hơn. Trong các ngày 25 và 26-5, Afghanistan đã phóng thích tổng cộng 1.000 tù nhân Taliban. Trước đó, chính quyền Kabul và Taliban cũng đã lần lượt thả khoảng 1.000 và 300 tù nhân của nhau.
Tuyên bố ngừng bắn được đưa ra trong bối cảnh tình trạng bạo lực không ngừng leo thang tại Afghanistan sau khi Taliban và Mỹ ký thỏa thuận hòa bình hồi tháng 2 vừa qua tại Doha (Qatar). Theo đó, Mỹ và lực lượng nước ngoài cam kết rút quân khỏi Afghanistan trước tháng 7-2021, chấm dứt cuộc chiến dài nhất mà Mỹ từng tham gia. Đổi lại, Taliban đưa ra một số bảo đảm an ninh và tiến hành đàm phán với đại diện Chính phủ Afghanistan. Trong đó, có một điều khoản quan trọng là chính quyền Kabul phóng thích 5.000 phiến quân, đổi lại Taliban trả tự do cho 1.000 người bị lực lượng này bắt giữ. Việc trao đổi tù nhân này mở đường cho các cuộc hòa đàm giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban.
Hoan nghênh tuyên bố của Taliban, Tổng thống A.Ghani khẳng định, sẽ đẩy nhanh tiến độ phóng thích các tù nhân Taliban. Đồng thời, một phái đoàn đàm phán của chính phủ đã sẵn sàng để bắt đầu cuộc đàm phán hòa bình với quân nổi dậy. Đoàn đàm phán sẽ do ông Abdullah Abdullah, đối thủ của ông A.Ghani, dẫn đầu sau khi hai người ký thỏa thuận chia sẻ quyền lực vào tuần trước, chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng tại Afghanistan.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng hối thúc tất cả các bên liên quan nắm lấy cơ hội này và đi theo tiến trình hòa bình do người Afghanistan đứng đầu và làm chủ. Người dân Afghanistan, vốn đã quá mệt mỏi trong chiến tranh, tỏ ra nhẹ nhõm sau khi thỏa thuận ngừng bắn được công bố. Kể từ khi Mỹ đánh chiếm Afghanistan vào năm 2001, chỉ có một lệnh ngừng bắn khác được đưa ra, đó là lệnh tạm dừng giao tranh 3 ngày giữa Taliban và Kabul, cũng nhân dịp lễ Eid Al-Fitr hồi năm 2018.
Trên thực tế, các cuộc thương lượng song phương giữa Taliban và chính quyền Tổng thống A.Ghani luôn rất khó khăn, phức tạp. Một trong những điểm mấu chốt là yêu cầu trao đổi tù nhân giữa hai bên. Các nhà phân tích nhận định, tiến trình hòa bình tại quốc gia Tây Nam Á này có thuận lợi hay không phụ thuộc rất nhiều vào kết quả đàm phán giữa lực lượng Taliban và chính quyền Kabul. Bởi trước đó, bạo lực đã gia tăng sau khi Chính phủ Afghanistan và Taliban bất đồng về một số vấn đề, cản trở hai bên khởi động hòa đàm. Theo giới chức Afghanistan, Taliban đã tiến hành hơn 3.800 cuộc tấn công, khiến 420 dân thường thiệt mạng và 906 người bị thương kể từ khi ký thỏa thuận hòa bình với Mỹ.
Vẫn còn một chặng đường rất dài để tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn, cùng với đó là chấm dứt gần hai thập kỷ hiện diện quân sự của Mỹ và NATO tại Afghanistan. Tuy nhiên, sự kiện Kabul thông báo kế hoạch phóng thích tù nhân cho thấy sự điều chỉnh quan điểm của Tổng thống A.Ghani, người từng bác bỏ đòi hỏi của Taliban. Trong khi Taliban coi việc trả tự do cho phiến quân là “điều kiện tiên quyết” để khởi động đàm phán. Thông báo lập đoàn đàm phán chính thức cũng cho thấy thiện chí của chính quyền Afghanistan trong việc hướng tới một lối mở bền vững cho hòa bình tại quốc gia này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.