Theo dõi Báo Hànộimới trên

Afghanistan: Mờ mịt viễn cảnh hòa bình

Vân Khanh| 28/11/2010 07:21

(HNM) - Để có cuộc đàm phán mới nhất với Tổng thống Afghanistan Hamid Kazai cách đây ít ngày, người được tình báo Anh giới thiệu là một chỉ huy cao cấp của Taliban tên Mullah Mansour thực chất chỉ là một nhân viên bán hàng ở Pakistan. Đây là tin tức mới nhất từ đất nước của chiến sự.

Lực lượng đa quốc gia ngừng các hoạt động tác chiến tại Afghanistan vào năm 2014.


Câu chuyện khó tin này cho thấy sự phức tạp và khó khăn của kế hoạch hòa giải, được xem là chìa khóa về một nền hòa bình lâu dài ở Afghanistan. Tuyên bố của các lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rằng, sẽ không để chính quyền Kabul trở thành miếng mồi ngon cho Taliban khi nhất trí bắt đầu rút quân khỏi chiến trường này từ năm 2011 vẫn chưa thể xua tan mối ngờ vực về một nền an ninh có thật tại quốc gia Nam Á này.

Chiến lược về Afghanistan, một chủ đề quan trọng của Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha vào cuối tuần trước đạt được đồng thuận lớn khiến người đứng đầu đất nước Afghanistan đang bị chiến tranh tàn phá hài lòng. Lộ trình tự chủ an ninh cho Afghanistan mà ông H.Kazai mang tới Hội nghị Lisbon đã nhận được sự đồng ý không mấy khó khăn của 48 nước - trong đó có 28 nước thành viên NATO và 20 nước tham gia Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) tham dự hội nghị. Theo đó, liên quân bắt đầu chuyển giao quyền kiểm soát cuộc chiến cho Kabul vào đầu năm 2011, tiến tới trao toàn bộ quyền chỉ huy vào năm 2014.

Kế hoạch rút quân được phác thảo sau những cuộc họp kín đầy căng thẳng của Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng các lãnh đạo NATO đã xóa bỏ nhiều lời đồn thổi rằng, Mỹ và NATO đang muốn phớt lờ thời hạn rời chiến trường Afghanistan đang ngày một cận kề. Trong một động thái được nhìn nhận như để tránh tạo ra sự "hiểu lầm" rằng các lực lượng quốc tế đang rời bỏ quốc gia Nam Á này, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen khẳng định, đồng minh phương Tây sẽ luôn sát cánh cùng Kabul ngay cả khi sứ mệnh tác chiến của NATO kết thúc. Trong khi đó, người đứng đầu Nhà Trắng tỏ ra thận trọng hơn khi nhấn mạnh thời gian chuyển giao quyền kiểm soát an ninh sẽ không cứng nhắc và tùy thuộc vào tình hình thực tế, cho dù sự can dự của quân đội Mỹ ở Afghanistan chắc chắn sẽ không giống như hiện nay. Thể hiện quyết tâm đứng bên Afghanistan trước thực tế tàn quân Taliban vẫn đang ngày ngày tập hợp lực lượng để chờ thời, các lãnh đạo NATO tiếp tục cam kết hỗ trợ quân đội Afghanistan về dài hạn để Kabul có thể tự đứng trên đôi chân của mình. Để làm được điều đó, trong tuần này, NATO vừa quyết định mời và đã được Nga đồng ý là điểm quá cảnh binh sĩ, quân nhu sang chiến trường Afghanistan. Ngoài ra, NATO sẽ cùng Mátxcơva thực hiện một số chiến dịch truy quét ma túy tại Afghanistan là một hướng tiếp cận mới của khối quân sự này trong vấn đề Afghanistan. Dường như khuyến khích Nga can dự sâu hơn nữa vào cuộc chiến bắt đầu từ năm 2001 đang là bước ngoặt trong quan hệ Nga - NATO.

Thế nhưng, trong lúc lịch trình để quân đội Afghanistan bắt đầu thay thế dần lực lượng quốc tế tại 37/238 quận mà an ninh đã cải thiện trong vài tuần tới đã sẵn sàng thì báo cáo mới nhất trình Quốc hội Mỹ của Lầu Năm góc ngày 23-11 cho biết, tình trạng bạo lực ở Afghanistan đã tăng lên mức dữ dội nhất từ trước tới nay. Điều này đã làm cảm giác hoang mang lan nhanh. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, chỉ trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9-2010, các vụ bạo lực ở Afghanistan đã tăng 300% so với năm 2007 và 70% so với năm ngoái. Đây là sự thật không thể phủ nhận rằng, hoạt động nổi dậy ở quốc gia này đang ngày càng có chiều hướng khó kiểm soát. Thêm vào đó, cơ quan chức năng quốc gia Nam Á vừa quyết định mở cuộc điều tra hình sự về cuộc bầu cử Quốc hội ngày 18-9, sau khi phát hiện nhiều nhân viên bầu cử liên quan tới gian lận, điều đó một lần nữa cho thấy, cả trên bình diện chính trị, Afghanistan vẫn là một hồ sơ nóng bỏng.

Những bài học đắt giá sau cuộc chiến 9 năm đã có nhiều đóng góp để hình thành một chiến lược mới đầy tham vọng vừa được NATO phê chuẩn nhằm đối phó với những mối đe dọa của thế kỷ XXI, từ chủ nghĩa khủng bố, các cuộc xung đột khu vực đến duy trì các lực lượng phòng thủ hiệu quả, có khả năng thực hiện các nhiệm vụ gai góc, phát sinh trong tương lai... Tuy nhiên, những bài học đó có thực sự mang lại ổn định cho Afghanistan hay không đang là niềm mong đợi không chỉ của người dân quốc gia đang chìm trong khói bụi chiến tranh mà còn của cả trong khu vực cũng như các nước tham chiến.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Afghanistan: Mờ mịt viễn cảnh hòa bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.