(HNM) - Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai lần đầu tiên vừa lên tiếng trong cuộc họp báo (18-6) tại Kabul, xác nhận sự can dự của Mỹ trong tiến trình hòa đàm với Taliban tại quốc gia Nam Á này.
Binh sĩ liên quân tại hiện trường sau vụ tấn công tự sát ở Kunduz, phía bắc thủ đô Kabul trong ngày 19-6. Ảnh: AP |
Theo ông H. Karzai, đây là giải pháp nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần 10 năm qua ở Afghanistan. Khoảng 24 giờ sau tuyên bố của người đứng đầu Afghanistan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates - người sẽ rời chức vụ này vào ngày 30-6 - trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình Mỹ được xem là cuối cùng trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng đã xác nhận thông tin này và cho hay tất cả mới chỉ là "sơ khởi". Trước đó (17-6), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết tách lệnh trừng phạt Taliban và Al Qaeda thành hai thực thể riêng thay vì gộp chung như trước. Theo đó, nhiều thành viên Taliban sẽ được cân nhắc xóa bỏ khỏi lệnh cấm vận được thực hiện từ năm 1999... như lực lượng này từng xem như một điều kiện để bước vào hòa giải.
Sự kiện Kabul và Washington cùng công khai về các cuộc hòa đàm với Taliban cũng như động thái tại Liên hợp quốc đã hé lộ bước đi mới của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và liên quân, nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình toàn diện cho quốc gia Nam Á này.
Cuộc chinh phạt dưới danh nghĩa "chống khủng bố" nhằm lật đổ chế độ Taliban - vì đã dung túng Al-Qaeda và thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố quốc tế này là Osama bin Laden - được Washington và liên quân phát động năm 2001 tại Afghanistan. Mục tiêu này đã được Mỹ cùng liên quân hoàn tất ngay sau đó. Và một chính quyền mới thân Mỹ đã được dựng lên tại Afghanistan do ông H. Karzai lãnh đạo đã không gặp bất kỳ trở ngại nào.
Thế nhưng, suốt 10 năm qua tuy chính quyền mới được sự hỗ trợ to lớn của Mỹ và các đồng minh, tàn quân Taliban vẫn là một thách thức gây đổ máu. Ngay trong ngày 18-6, khi ông H. Karzai xác nhận sự can dự của Mỹ trong tiến trình hòa đàm với Taliban thì lực lượng này đã tấn công một đồn cảnh sát gần Phủ Tổng thống Afghanistan ở khu vực trung tâm thủ đô Kabul. Cùng ngày, các tay súng cũng đã tấn công 3 đoàn xe vận chuyển nhiên liệu và hậu cần cho binh sỹ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), phóng hỏa đốt 15 xe bồn nhiên liệu, giết 9 nhân viên an ninh Afghanistan và làm bị thương 7 nhân viên bảo vệ…
Taliban đã trở thành nan giải với giới chức Lầu Năm Góc và các đồng nghiệp Kabul khi nêu rõ lập trường rằng, các lực lượng quốc tế phải rời khỏi Afghanistan trước khi nhóm này tham gia các cuộc đàm phán hòa bình và chỉ đàm phán với chính phủ Afghanistan. Do đó, những tín hiệu xung quanh Taliban như nêu trên không gì khác là nhằm giảm thiểu các vụ tấn công đẫm máu; đồng thời dọn đường cho một cuộc lui binh trong danh dự của Mỹ và liên quân tại chiến trường sỏi đá này.
Theo kế hoạch, Mỹ dự kiến sẽ bắt đầu rút 97.000 quân khỏi Afghanistan vào tháng 7 tới và dần chuyển giao nhiệm vụ đảm trách an ninh cho phía Afghanistan đến năm 2014. Đầu tháng 6 này, Quốc hội Mỹ đã công bố báo cáo chỉ trích những nỗ lực kéo dài suốt một thập kỷ qua của nước này tại Afghanistan. Báo cáo của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho rằng cuộc chiến chống khủng bố và nỗ lực tái thiết Afghanistan không như mong muốn so với số tiền gần 19 tỷ USD mà Mỹ đã đổ ra; đồng thời cảnh báo, nỗ lực tái thiết Afghanistan có thể sẽ thất bại khi quân đội Mỹ và NATO không còn hiện diện tại đây.
Thời điểm để Tổng thống H.Karzai tiết lộ sự can dự của Mỹ trong tiến trình hòa đàm với Taliban dường như được lựa chọn theo lộ trình rút quân của Mỹ và đồng minh. Vì áp lực rút quân đang thực sự đè nặng lên chính quyền của Tổng thống Barack Obama ngay trong mùa tranh cử tại Mỹ đang diễn ra. Áp lực được xác nhận khi trung tuần tháng 6 này, nhóm 25 thượng nghị sỹ Mỹ đã gửi thư hối thúc Tổng thống B. Obama rút quân Mỹ khỏi Afghanistan trong tháng 7 tới như dự kiến. Còn với dư luận Mỹ, một cuộc thăm dò do Hãng tin Mỹ AP kết hợp với GFK thực hiện hồi tháng 5-2011, cho thấy sau khi Bin Laden bị tiêu diệt, tỷ lệ người Mỹ ủng hộ cuộc chiến tại Afghanistan chỉ là 37% trong khi tỷ lệ phản đối lên tới 59%...
Cú dọn đường nhằm chấm dứt một cuộc chiến có chiều hướng gây bất ổn dai dẳng trong khu vực; đồng thời sớm đưa Mỹ và NATO thoát khỏi vũng lầy Afghanistan của Tổng thống H.Karzai đang nhận được sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, thành công của bước đi này xem ra còn quá mong manh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.