(HNM) - Sau hai lần trì hoãn vì nhiều lý do khác nhau, ngày 28-9, cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan đã chính thức diễn ra trong nỗi lo sợ về an ninh và bất ổn.
Tham gia tranh cử lần này ban đầu có 18 ứng cử viên, song tới gần thời điểm quyết định, đã có 3 nhân vật xin rút lui. Tuy nhiên, do thời gian quá gấp gáp, Ủy ban bầu cử đã không kịp thay đổi và vẫn giữ nguyên tên của 18 ứng viên trên lá phiếu. Mặc dù có nhiều ứng cử viên tham gia cuộc đua nhưng theo thăm dò dư luận, cuộc bầu cử tổng thống lần thứ tư kể từ khi Taliban sụp đổ năm 2001 tại Afghanistan vẫn là trận tái đấu giữa Tổng thống đương nhiệm Ashraf Ghani và quan chức điều hành cấp cao chính quyền Afghanistan Abdullah Abdullah. Cả hai nhân vật này đều công bố cương lĩnh tranh cử với nội dung thúc đẩy đoàn kết dân tộc và chấm dứt nội chiến. Thế nhưng, những gì đang diễn ra lại cho thấy triển vọng ngược lại.
5 năm trước, ông A.Ghani đã có chiến thắng được cho là thiếu thuyết phục trước đối thủ A.Abdullah khi vướng vào bê bối gian lận phiếu bầu. Sau bầu cử, cả hai bị cuốn vào cuộc tranh giành quyền lực chính trị ác liệt, buộc Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là John Kerry phải làm trung gian hòa giải để lập ra chính phủ chia sẻ quyền lực hiện tại. Trong cuộc bỏ phiếu lần này, kịch bản cũ đang có nguy cơ lặp lại khi càng gần thời điểm bầu cử, căng thẳng giữa hai ứng cử viên sáng giá càng gia tăng. Ông A.Abdullah nhiều lần cáo buộc Tổng thống A.Ghani lợi dụng quyền lực và tiền để mua phiếu bầu, thao túng kết quả bầu cử cho dù người đứng đầu quốc gia Nam Á liên tục bác bỏ mọi cáo buộc.
Theo thông báo của Ủy ban bầu cử Afghanistan, để chiến thắng trong vòng 1, ứng cử viên sẽ phải là người đứng đầu cuộc đua với số phiếu vượt qua 50% tổng số phiếu bầu. Kết quả sơ bộ vòng 1 sẽ được công bố vào ngày 17-10 và kết quả chính thức sẽ được đưa ra ngày 7-11. Nếu không có nhân vật nào đạt được điều kiện trên, 2 ứng cử viên có số phiếu cao nhất sẽ bước vào vòng bầu cử thứ 2, dự kiến được tổ chức ngày 23-11.
Tuy nhiên, nhiều nhận định cho rằng, dù ông A.Ghani hay ông A.Abdullah đắc cử thì tương lai của Afghanistan vẫn không có gì chắc chắn. Trong chiến dịch tranh cử, cả hai người đều chưa đưa ra được kế hoạch chi tiết nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình, phát triển kinh tế đất nước. Điều này cho thấy hai ứng viên hàng đầu đang lúng túng trong việc hoạch định chương trình hành động cụ thể để giải quyết vấn đề lớn nhất của đất nước, đó là cuộc xung đột với Taliban - phong trào Hồi giáo cực đoan đang kiểm soát 11% dân số Afghanistan.
Sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001 tại Mỹ, Washington đã xác định Taliban là một tổ chức khủng bố và coi đây là đối tượng tấn công trọng điểm. Lực lượng này cũng thường xuyên thực hiện các vụ bạo lực đẫm máu nhằm vào quân đội Mỹ và Chính phủ Afghanistan. Sau 18 năm tham chiến, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định khởi động đối thoại trực tiếp với Taliban. Tuy nhiên, mới đây, ông chủ Nhà Trắng đã hủy bỏ đàm phán với lý do phong trào vũ trang vẫn tiếp tục các vụ tấn công nhằm vào quân đội Mỹ.
Trong khi đó, Taliban đã chính thức lên án cuộc bầu cử ngày 28-9 là không hợp pháp vì các lực lượng nước ngoài vẫn đang hiện diện tại Afghanistan. Ngay trong ngày bầu cử, một vụ nổ đã xảy ra gần một điểm bỏ phiếu tại thành phố Kandahar làm 15 người bị thương. Trước đó, Taliban cũng tổ chức nhiều vụ đánh bom nhằm gây áp lực đối với chính quyền Kabul. Từ ngày 6-8 đến nay, hơn 240 dân thường và khoảng 40 nhân viên an ninh đã thiệt mạng. Lực lượng chức năng cũng đã tiêu diệt 1.538 phần tử vũ trang.
Trong tình cảnh bạo lực bao trùm, mâu thuẫn nội bộ chưa thể hóa giải thì tương lai của Afghanistan vẫn còn mù mịt. Vì vậy, dù ai ngồi vào chiếc ghế tổng thống, ưu tiên hàng đầu phải là thúc đẩy đoàn kết dân tộc, tìm kiếm thỏa thuận để vãn hồi hòa bình sau 18 năm xung đột.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.