(HNM) - Không phải ngẫu nhiên mà giá lương thực leo thang lại trở thành một chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự của các bộ trưởng tài chính G20 vừa kết thúc tại thủ đô Paris của nước Pháp cuối tuần qua.
Đáng tiếc là các "ông lớn" của thế giới chưa đưa ra được biện pháp gì để ngăn chặn xu hướng đồng loạt vượt ngưỡng nguy hiểm của giá cả hầu hết các mặt hàng thiết yếu đang diễn ra trên hầu khắp các lục địa.
Hàng tỷ người trên hành tinh có nguy cơ thiếu đói vì giá lương thực tăng cao. |
Thường xuyên xuất hiện như những cảnh báo nóng nhất kể từ những ngày đầu năm 2011 đến nay, nguy cơ về cuộc khủng hoảng lương thực thứ hai chỉ trong vòng 3 năm qua tấn công thế giới đang ngày càng lộ rõ khi giá nông sản thực phẩm đã vượt qua khả năng chi trả của hàng triệu người ở các quốc gia khác nhau. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong 4 tháng (từ tháng 10-2010 đến tháng 1-2011), giá lương thực đã tăng 15%, đưa chỉ số giá nông sản cao hơn 29% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ thấp hơn 3% so với mức đỉnh của cơn biến động mùa hè năm 2008. Mối đe dọa thiếu đói đang rình rập hơn 1 tỷ người trên khắp hành tinh trở nên trầm trọng hơn với thống kê từ Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, giá lương thực và nhu yếu phẩm đã vọt lên mức cao chưa từng thấy từ năm 1990. Những cảnh báo cho thấy cơn ác mộng đói kém đang dần thành hiện thực khi chỉ số giá 55 mặt hàng nhu yếu phẩm như thịt, ngũ cốc, đường, sữa… trong tháng 1-2011 đã lên tới gần 231 điểm, cao hơn mức 224 điểm ghi nhận trong thời điểm đỉnh cao của cuộc khủng hoảng lương thực 3 năm trước. Đáng giật mình là lúa mì - nguồn lương thực chủ yếu nuôi sống con người - đã đắt hơn tới 80% trong năm 2010.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng giá lương thực cao đột biến như hiện nay vẫn không mới. Thời tiết khắc nghiệt gây nạn hỏa hoạn lịch sử vào mùa hè năm ngoái tại Nga khiến 19 triệu tấn nông sản biến thành tro bụi; băng giá kỷ lục tại Canada làm sản lượng lúa và cây lương thực giảm hơn 17%; lụt lội ở Australia xóa sổ mùa màng; hạn hán ở Trung Quốc kéo tụt 36% khả năng sản xuất lương thực... đã dẫn tới khan hiếm trên thị trường toàn cầu. Thế nhưng, con người cũng không thể chối bỏ trách nhiệm trong cuộc chiến giá nông phẩm. Không chỉ tỷ trọng đầu tư cho nông nghiệp trong viện trợ phát triển chính thức (ODA) giảm từ 19% năm 1980 xuống 3% năm 2006 và 5% vào thời điểm hiện nay, số tiền đầu tư nhà nước và khu vực tư nhân để phát triển lĩnh vực này cũng chỉ dừng ở mức 140 tỷ USD/năm. Ngân khoản đó thật quá khiêm tốn so với chi phí quân sự 1.500 tỷ USD trên toàn cầu. Bên cạnh đó, chương trình trợ giá và ưu đãi thuế đối với nguyên liệu sinh học đang lấy đi khoảng 120 triệu tấn ngũ cốc từ nguồn tiêu dùng của con người sang phục vụ ngành giao thông vận tải cũng được xem là bất cập làm sự thiếu hụt thêm trầm trọng.
Hiện trạng mất cân đối cung - cầu càng trở thành vấn đề cấp bách với cuộc đua nóng bỏng tích trữ lương thực của rất nhiều quốc gia. Ai Cập, nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới vừa kết thúc hợp đồng mua 55.000 tấn lúa mì từ Mỹ, trong khi Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Algeria, Iran, Arab Saudi, Trung Quốc cũng đã không chậm chân trong các thương vụ đấu thầu nông sản. Vòng xoáy đó giúp cơn bão giá vừa hình thành đã mở rộng sức công phá trên quy mô toàn cầu.
Thế nhưng, giá lương thực lập những đỉnh cao mới không chỉ là thảm họa với người dân ở những nước nghèo - nơi có đến 80% nguồn thu được dành để chi tiêu cho ngũ cốc và thực phẩm - còn là nỗi lo của nhiều triệu người thất nghiệp ở các quốc gia phát triển đang phải vật lộn để tồn tại sau cuộc suy thoái kinh tế. Mục tiêu giảm 50% số người thiếu đói trên trái đất vào năm 2015 mà các nhà lãnh đạo thế giới đề ra trong các Mục tiêu thiên niên kỷ tại LHQ - có thể chỉ đạt được vào năm 2050 là dự đoán không phải không có cơ sở khi giá lương thực tăng cao đã đẩy 44 triệu người ở các nước đang phát triển vào tình cảnh đói nghèo chỉ từ tháng 6-2010 đến nay.
Sự hợp tác giữa các quốc gia trên nhiều phương diện để ứng phó khẩn cấp với giá cả là lựa chọn duy nhất và cần thiết trong bối cảnh những nguy cơ đã được nhận diện. Tình hình lương thực như những cơn sóng thần lặng lẽ, nếu không được giải tỏa sẽ có sức tàn phá khủng khiếp. Đến lúc đó sẽ không chỉ là nhân mạng mà còn là những bất ổn xã hội dẫn đến đổ vỡ chính trị như thế giới đang chứng kiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.