(HNM) - Việc 892 cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn Hà Nội bị đình chỉ hoạt động vì vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy gần đây được dư luận hết sức quan tâm...
Một cơ sở karaoke không bảo đảm điều kiện phòng cháy, chữa cháy. |
Quản lý ở địa bàn: Bị buông lỏng
Việc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội công khai 892 cơ sở karaoke bị đình chỉ hoạt động vì không bảo đảm điều kiện về phòng cháy, chữa cháy thu hút sự quan tâm của dư luận. Đây là con số thống kê sau khi thực hiện kiểm tra, rà soát theo Công văn số 3317/UBND-NC, ngày 23-7-2018, của UBND thành phố "Về việc thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội trong công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường trên địa bàn thành phố".
Đáng nói, số cơ sở karaoke vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy chủ yếu tập trung ở các huyện, trong đó Đông Anh có nhiều cơ sở bị đình chỉ nhất (121), tiếp đến là Thạch Thất (83), Sóc Sơn (69), Chương Mỹ (50)… Trong khi đó, ở khu vực nội thành, các quận có số cơ sở vi phạm nhiều nhất là Đống Đa, Long Biên (mỗi quận có 40 cơ sở).
Về nguyên nhân, Trung úy Nghiêm Xuân Bách, cán bộ Đội Hướng dẫn, kiểm tra phòng cháy (Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 2, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội) cho biết: Thông tư số 47/2015/TT-BCA của Bộ Công an “Hướng dẫn về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke” có hiệu lực từ ngày 4-12-2017, đã bổ sung một số tiêu chuẩn phòng cháy đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường về thiết kế, thiết bị, thẩm duyệt thiết kế, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy… 892 cơ sở kinh doanh karaoke trên dù đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định trước thời điểm 4-12-2017, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo Thông tư số 47/2015/TT-BCA.
Ngoài những vi phạm thuộc về chủ các cơ sở còn có những vi phạm xảy ra do công tác quản lý ở địa bàn bị buông lỏng. Thiếu tá Đồng Xuân Quốc, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 6 cho rằng, công tác kiểm tra, giám sát an toàn phòng cháy tại các huyện gặp nhiều khó khăn do lực lượng mỏng, trong khi địa bàn quản lý quá rộng.
Dù công tác phối hợp với chính quyền địa phương trong kiểm tra, tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy đã được đẩy mạnh, nhưng một số nơi vẫn coi trách nhiệm quản lý thuộc về lực lượng phòng cháy, chữa cháy. Chính sự vào cuộc chưa quyết liệt của chính quyền địa phương đã dẫn đến tình trạng một số cơ sở vẫn lén lút hoạt động dù đã bị đình chỉ. “Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy không được phép đóng cửa hay thu giấy phép kinh doanh, chỉ có cơ quan ban hành mới có thẩm quyền thu hồi giấy phép khi cơ sở vi phạm” - Thiếu tá Đồng Xuân Quốc nói.
Không tuân thủ quy định: Không được hoạt động
Cầu Giấy là quận có số cơ sở karaoke vi phạm phòng cháy, chữa cháy ít nhất (4 cơ sở), nhờ tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, nhất là sau vụ cháy quán karaoke số 68 đường Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng, khiến 13 người tử vong ngày 1-11-2016. Đại tá Lê Chí Cao, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 3 chia sẻ, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương liên tục kiểm tra, giám sát và kiên quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở vi phạm; đồng thời giám sát việc thực hiện quyết định đình chỉ và khắc phục vi phạm của các cơ sở. UBND các phường cũng thông báo trên loa truyền thanh danh sách cơ sở vi phạm. Nếu các cơ sở karaoke bị đình chỉ vẫn hoạt động thì lực lượng chức năng có biện pháp cưỡng chế, báo cáo UBND quận thu hồi giấy phép kinh doanh… Chỉ khi đáp ứng các yêu cầu an toàn, cơ sở kinh doanh karaoke mới được phép hoạt động trở lại. Ngoài ra, UBND các phường cũng tổ chức ký cam kết bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy để nâng cao ý thức chấp hành quy định.
Một cơ sở vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. |
Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội) cho biết: Kết quả kiểm tra chỉ ra những vi phạm, như thiết bị phòng cháy, chữa cháy không bảo đảm; nhân viên chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về chữa cháy và thoát nạn… Về thiết kế, đa phần cơ sở karaoke được chuyển đổi công năng từ nhà ở; lại lắp đặt biển quảng cáo điện tử lớn ở phía trước, dẫn đến nguy cơ chập điện và ảnh hưởng đến khả năng thoát nạn khi có sự cố... Ngoài ra, một số cơ sở nằm trong ngõ, ngách nhỏ không bảo đảm điều kiện để phương tiện tiếp cận hiện trường và nguồn nước chữa cháy.
Về biện pháp giải quyết 892 cơ sở vi phạm nêu trên, Đại tá Trần Văn Vụ khẳng định, cơ sở nào hoàn thiện theo quy định của Thông tư số 47/2015/TT-BCA sẽ được phép hoạt động trở lại. Cơ sở nào chây ỳ, không tuân thủ quy định phòng cháy, chữa cháy mới thì lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương kiên quyết đình chỉ hoạt động vô thời hạn để bảo đảm an toàn.
Theo Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hà Nội, đến nay, trên địa bàn thành phố có 1.147 cơ sở (trường học, nhà chung cư, nhà tập thể, nhà cho thuê để ở, xưởng sản xuất, kho chứa hàng hóa, khách sạn, nhà nghỉ...) không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước thời điểm Luật Phòng cháy, chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực (ngày 4-10-2001). Con số này đã tăng 555 cơ sở so với giai đoạn khảo sát bước đầu. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.