(HNMO) – Ngày 28-10, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức hội nghị "Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây và công tác phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất, phân phối, tiêu dùng trên địa bàn thành phố Hà Nội".
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Đề án tăng cường quản lý các cửa hàng trái cây trên địa bàn thành phố năm 2020 đã được triển khai trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã. 809 cửa hàng kinh doanh trái cây đã được cấp đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hoặc cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, biển nhận diện; 95% cửa hàng có thiết bị giám sát chất lượng, vận chuyển; 80% cửa hàng có tem truy xuất nguồn gốc… UBND các quận đã xây dựng được 40 tuyến phố văn minh không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè.
Đáng chú ý, Sở đã xây dựng hệ thống thông tin điện tử ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc trái cây, với tổng số hơn 5.500 mã sản phẩm được quản lý; đồng thời, tổ chức các hội chợ hàng hóa nông sản thực phẩm, Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại nhiều kênh phân phối của Hà Nội để hỗ trợ kết nối tiêu thụ…
Bên cạnh đó, Sở Công Thương phối hợp cùng các sở, ngành liên quan, lực lượng quản lý thị trường đã đẩy mạnh giám sát chất lượng, kiểm tra, xử lý vi phạm, nhằm ngăn chặn sản phẩm trái cây không bảo đảm chất lượng lưu thông trên thị trường. Trong đó, các đội quản lý thị trường đã kiểm tra 290 vụ, xử lý 159 vụ, phạt hành chính trên 236 triệu đồng.
Từ nay đến cuối năm 2020, ngành Công Thương Hà Nội tiếp tục tổ chức các chương trình liên kết vùng, hội nghị giao thương kết nối cung - cầu sản phẩm trái cây an toàn vào hệ thống phân phối của Hà Nội; triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý hoạt động kinh doanh trái cây của thành phố và trang thông tin của thành phố Hà Nội phục vụ tra cứu về trái cây của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Bên cạnh đó, Sở tiếp tục tăng cường quản lý, kết nối, hỗ trợ xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ trái cây an toàn trên địa bàn thành phố; hỗ trợ các cơ sở kinh doanh trái cây có nhu cầu tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư trang thiết bị đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn quy định; phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, phát triển chợ thương mại điện tử sản phẩm trái cây an toàn của Hà Nội và các tỉnh tiêu thụ trên địa bàn… Thành phố phấn đấu đạt 30% đến 50% các tuyến phố văn minh tại quận và các tuyến phố tại trung tâm các huyện, thị xã không kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè…
Hiện trên địa bàn thành phố có 1.872 cửa hàng kinh doanh trái cây thuộc đối tượng của đề án; trong đó có 650 cửa hàng chuyên doanh.
Đối với công tác phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng trên địa bàn thành phố năm 2020, các doanh nghiệp thống nhất tuân thủ quy định pháp luật trong bảo vệ môi trường, ủng hộ chủ trương giảm thiểu rác thải nhựa, túi nilon trong sản xuất và phân phối. Một số doanh nghiệp đã thay thế túi nilon khó phân hủy bằng túi tự hủy sinh học như: Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce (quản lý hệ thống siêu thị Vinmart), Công ty TNHH MM Mega Market (hệ thống siêu thị MM Mega Market), Công ty cổ phần Vincom Retail (hệ thống trung tâm thương mại Vincom)...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.