Theo dõi Báo Hànộimới trên

650 tỷ đồng và 20 triệu thẻ căn cước…

Hà Phong| 29/10/2014 06:19

(HNM) - Với người dưới 14 tuổi, giấy khai sinh được dùng để thực hiện các thủ tục khi đi học. Đây cũng là tấm giấy thông hành, có tác dụng chứng minh nhân thân, khi ra nước ngoài vẫn có giá trị.



Vì lý do này, quá trình Quốc hội (QH) thảo luận về các dự thảo Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân ngày 28-10, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, không hợp lý khi bỏ ra 650 tỷ đồng làm khoảng 20 triệu thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi chỉ để… cất giữ.

Giấy khai sinh là một trong những giấy tờ cơ bản khi làm thủ tục nhập học cho trẻ. Ảnh: Lê Tuấn


Vẫn cần giấy khai sinh

"Liệu thẻ căn cước công dân có thể thay thế giấy khai sinh được không? Tôi thấy vấn đề này cần được QH tập trung thảo luận để làm rõ hơn, tính toán hợp lý hơn" - ĐB Hồ Thị Thủy (Đoàn Vĩnh Phúc) nêu quan điểm ngay khi bắt đầu phiên thảo luận. Theo ĐB Hồ Thị Thủy, người ở độ tuổi dưới 14 chủ yếu là đi học và không tự giao dịch được mà cần người giám hộ. Vậy cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi để làm gì, nhất là đối với trẻ sơ sinh và các cháu ở bậc mẫu giáo?

Từ những phân tích trên, ĐB Hồ Thị Thủy đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu của Chính phủ với dự thảo Luật Hộ tịch. Hướng cụ thể là thẻ căn cước công dân không thể thay thế giấy khai sinh như Ban soạn thảo Luật Căn cước công dân đề xuất. "Giấy khai sinh có ý nghĩa đánh dấu sự ra đời của một con người, được nhà nước thừa nhận, vừa là cơ sở thực hiện các loại giấy tờ khác trong quản lý nhà nước. Còn thẻ căn cước công dân nhằm phục vụ nhu cầu quản lý, thông tin trong thẻ căn cước là dựa trên giấy khai sinh. Thực tiễn hiện nay, khi thực hiện các giao dịch với cơ quan đại diện người nước ngoài ở Việt Nam vẫn cần xuất trình giấy khai sinh" - ĐB Hồ Thị Thủy phân tích.

Cùng vấn đề trên, các ĐBQH Huỳnh Văn Tính (Đoàn Tiền Giang), Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước), Trịnh Kim Chi (Đoàn Phú Yên) cũng đề nghị cân nhắc kỹ việc cấp thẻ căn cước công dân đối với trẻ dưới 14 tuổi với lý do trẻ dưới 14 tuổi, đặc điểm nhận dạng chưa ổn định, chưa phải chịu trách nhiệm hình sự. Mặt khác giấy khai sinh có giá trị suốt đời, không cấp đổi như các loại thẻ khác. Làm thẻ căn cước phải đổi định kỳ, giá thành lại tốn kém hơn giấy khai sinh. Ước tính, Chính phủ sẽ phải chi 650 tỷ đồng làm khoảng 20 triệu thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi chỉ để… cất giữ là bất hợp lý. Bên cạnh đó, qua thực tế, nhiều trẻ em ở vùng dân tộc thiểu số, sống trong các nhà chùa, cơ sở nuôi trẻ mồ côi… chưa được đăng ký khai sinh, có em đến khi đi học cũng chưa đăng ký khai sinh, gây nhiều thiệt thòi cho các em. "Vì vậy, trong thời hạn 60 ngày từ lúc sinh phải đăng ký khai sinh cho các em" - ĐB Điểu Huỳnh Sang đề xuất.

Về việc đặt tên, ĐB Nguyễn Thị Nhung (Đoàn Khánh Hòa) đề nghị dự thảo Luật Hộ tịch cần quy định nguyên tắc đặt tên và xác định họ cho con phù hợp với văn hóa, tránh những cái tên xấu, quá dài, không thuần Việt. ĐB Nguyễn Thị Nhung dẫn chứng, có những người đặt tên cho con theo tên nước ngoài hoặc tên gây mặc cảm; hoặc tên quá dài, gây phức tạp, phải viết tắt vì không đủ chỗ viết như Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân. Đây là những vướng mắc ở cơ sở mà cán bộ hộ tịch đã phản ánh nhưng chưa được giải quyết.

Thẻ căn cước công dân hay chứng minh nhân dân?

Một nội dung nữa đang khiến không chỉ ĐBQH mà dư luận phải đặt dấu hỏi, đó là đề xuất thẻ căn cước công dân sẽ thay cho chứng minh nhân dân hiện nay nêu trong dự thảo Luật Căn cước công dân. Nhiều ý kiến băn khoăn, việc cấp căn cước gây tốn kém cho Nhà nước và công dân, đồng thời phải thay đổi nhiều trong giao dịch sẽ gây xáo trộn đời sống người dân.

Phân tích sâu hơn, ĐB Nguyễn Thanh Tịnh (Đoàn Bình Định) cho rằng, không nên đổi tên chứng minh nhân dân thành thẻ căn cước công dân, gây tốn kém. Hơn nữa, chúng ta đã quen dùng chứng minh nhân dân trên toàn quốc. Bây giờ, nếu thay đổi toàn bộ phần mềm quản lý này sẽ có những khó khăn nhất định, có thể còn kéo theo nhiều hệ lụy. Ví dụ điển hình là tất cả các bộ, ban, ngành phải thay đổi toàn bộ hồ sơ, lý lịch và những giấy tờ chúng ta đã in sẵn chỉ để thay từ chứng minh nhân dân thành căn cước công dân…

Ngoài ra, cấp thẻ căn cước công dân thay thế giấy tờ khác đối với trẻ từ 14 tuổi trở lên là cần thiết nhưng cần lưu ý vấn đề bảo mật, nếu không tập huấn, đây sẽ là khâu yếu nhất - ĐB Ngô Thị Minh (Đoàn Quảng Ninh) nhận định.

Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Hà Hùng Cường:
Việc đầu tiên là đăng ký khai sinh

Trước các luồng quan điểm khác nhau, Chính phủ đã nghiên cứu, đề nghị QH cho chỉnh lý dự thảo Luật Hộ tịch theo hướng cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi sinh ra. Một người khi sinh ra, việc đầu tiên là khai sinh và hệ thống hộ tịch theo dõi người ta đến khi chết. Mọi diễn biến liên quan nhân thân, nhất thiết cần thể hiện trong cơ sở dữ liệu về hộ tịch, cơ sở này kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Về cơ bản, hai dự thảo Luật Hộ tịch, luật Căn cước công dân đã thể hiện mối quan hệ nêu trên rồi, nhưng phải gia công thêm để khẳng định rõ hơn nữa.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
650 tỷ đồng và 20 triệu thẻ căn cước…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.