Theo dõi Báo Hànộimới trên

6 tháng, sản lượng tôm cả nước đạt 371 nghìn tấn

Ngọc Quỳnh| 16/07/2021 15:16

(HNMO) - Ngày 16-7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến bàn giải pháp phát triển ngành tôm năm 2021 và triển khai Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quang cảnh hội nghị.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng tôm cả nước đạt 371 nghìn tấn (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó, sản lượng tôm sú đạt 113 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 258 nghìn tấn.

Tuy nhiên, giá tôm nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện giảm do nguồn cung dồi dào và khó khăn trong thu mua, vận chuyển do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Theo đó, giá tôm sú ướp đá cỡ 20 con/kg giảm 20.000 đồng/kg so với tháng trước xuống còn 250.000 đồng/kg. Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 60-70 con/kg giảm 18.000 đồng/kg xuống còn 98.000-105.000 đồng/kg... Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm 2021 đạt 1,5 tỷ USD (trong đó, tôm sú đạt 200 triệu USD, tôm thẻ chân trắng đạt 1,3 tỷ USD).

Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, hiện nay, việc phát triển ngành tôm gặp nhiều khó khăn do giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện (chi phí cao gấp 2 lần so với sử dụng điện); giá cước vận chuyển vật tư, nguyên liệu cao. 

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các tháng cuối năm, ngành tôm Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn rủi ro khi phát triển nóng, có thể dẫn đến lạm dụng trong sử dụng con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, thời tiết, khí hậu bất thường, có nguy cơ phát sinh dịch bệnh, diễn biến dịch Covid-19 và cạnh tranh thương mại quốc tế khó lường khiến xuất khẩu tôm gặp nhiều khó khăn...

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trước những khó khăn của ngành tôm, Bộ sẽ làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về thủ tục đất đai để làm căn cứ pháp lý cho cấp mã số vùng nuôi, bảo đảm cho truy xuất nguồn gốc. Với sản xuất nhỏ lẻ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ bàn với các địa phương tìm giải pháp căn cơ để đảm bảo an toàn dịch bệnh. Bộ sẽ cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về điện cho một số địa phương.

Xuất khẩu tôm vẫn gặp nhiều khó khăn.

Các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung, kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi. Mặt khác, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất giống, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản; xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
6 tháng, sản lượng tôm cả nước đạt 371 nghìn tấn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.