6 Luật bắt đầu có hiệu lực gồm: Luật sửa đổi, bổ sung bổ sung một số điều Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; Luật Hòa giải ở cơ sở.
Áp dụng mức thuế suất phổ thông 22%
Luật sửa đổi, bổ sung bổ sung một số điều Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung quy định miễn thuế đối với: Thu nhập từ hoạt động sản xuất muối của hợp tác xã; thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản ở địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thu nhập từ hoạt động đánh bắt hải sản của doanh nghiệp ở địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Để thực hiện chiến lược cải cách thuế, đồng thời phù hợp với xu thế cải cách thuế của các nước, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp đã sửa đổi quy định về thuế suất , theo đó, giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống còn 22%; riêng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 20% ngay từ 1/7/2013. Từ ngày 01/01/2016 mức thuế suất phổ thông là 20% và mức thuế suất ưu đãi 20% được điều chỉnh giảm xuống còn 17%.
Quy định mới về ngưỡng đăng ký nộp thuế GTGT
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng có hiệu lực từ 1/1/2014, trong đó có quy định mới về ngưỡng đăng ký nộp thuế GTGT
Cụ thể, về ngưỡng đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, Luật quy định rõ: Cơ sở kinh doanh có doanh thu hằng năm từ bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ từ 1 tỷ đồng trở lên (trừ hộ, cá nhân kinh doanh và trừ trường hợp có đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ).
Như vậy, từ ngày 1/1/2014, hộ, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng áp dụng thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp sẽ không thuộc đối tượng áp dụng phương pháp khấu trừ, kể cả trường hợp có doanh thu hằng năm trên 1 tỷ đồng.
Giáo dục quốc phòng và an ninh là môn học chính khóa đối với học sinh THPT
Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh gồm 8 Chương, 47 Điều.
Trong đó, đối với học sinh tiểu học, trung học cơ sở, để phù hợp với lứa tuổi, trình độ nhận thức và yêu cầu giáo dục quốc phòng và an ninh, Luật quy định giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng này được thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học để học sinh hình thành những cơ sở hiểu biết ban đầu về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân; ý thức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Đối với trung học phổ thông; trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục đại học, trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, giáo dục quốc phòng và an ninh được xác định là môn học chính khóa trong chương trình giáo dục.
Thu hút nhân tài khoa học công nghệ
Với 11 Chương, 81 Điều, Luật Khoa học và Công nghệ có nhiều nội dung mới, quy định rõ hơn về nhiệm vụ, nguyên tắc của hoạt động khoa học, công nghệ; chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ...
Một trong những điểm mới của Luật là quy định ưu đãi trong việc sử dụng nhân lực, nhân tài khoa học, công nghệ; thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài....
Khuyến khích giải quyết mâu thuẫn bằng hình thức hòa giải ở cơ sở
Luật Hòa giải ở cơ sở gồm 5 Chương, 33 Điều. Theo đó, việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trừ các trường hợp sau: mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải; vi phạm pháp luật đang được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý về hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính; mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật.
Luật Hòa giải ở cơ sở quy định về chính sách của Nhà nước đối với công tác hòa giải ở cơ sở, trong đó khuyến khích các bên giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng hình thức hòa giải ở cơ sở và các hình thức hòa giải thích hợp khác; khuyến khích những người có uy tín trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư tham gia hòa giải ở cơ sở và tham gia các hình thức hòa giải thích hợp khác.
Nhà nước có chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở; khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở. Một điểm mới quan trọng của Luật so với Pháp lệnh đó là quy định Nhà nước có chính sách để phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở, thể hiện đúng bản chất của hòa giải ở cơ sở là tự nguyện, tự quản.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, đã sửa đổi 5/42 điều của luật hiện hành, khắc phục những bất cập nổi cộm như tình trạng di dân tự phát vào các thành phố lớn, mất cân đối về phân bố dân cư và an sinh xã hội… , nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư, đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.