(HNMO) - Thông tin chi tiết về 5 dự án vừa được Hà Nội trao chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi theo hình thức BT cùng các vấn đề liên quan đến việc thẩm định dự án, cách thức xác định giá trị quỹ đất thanh toán cho dự án... đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội giải đáp cụ thể.
Tại Hội nghị "Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển" ngày 17-6 vừa qua, UBND thành phố đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi cho 5 dự án thực hiện theo hình thức BT. Đây là những dự án giao thông được đánh giá là đã trải qua quá trình chọn lọc kỹ càng, bảo đảm đúng pháp luật, hiệu quả đầu tư, khẳng định chính sách thu hút đầu tư đúng đắn của thành phố, góp phần giúp Hà Nội giải bài toán ùn tắc giao thông, xây dựng hạ tầng khung phục vụ sự phát triển của Thủ đô.
Quy trình thẩm định dự án chặt chẽ, minh bạch
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, 5 dự án giao thông BT mới của Hà Nội là những dự án đã được nghiên cứu trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2015, đã được UBND Thành phố báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức BT và cho phép chỉ định Nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT.
Dự án từ đường Lê Trọng Tấn đến đường vành đai 3, quận Thanh Xuân đã được xem xét rất chặt chẽ (ảnh: ANTĐ) |
Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trình tự, thủ tục xem xét các dự án BT tại Hà Nội rất chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định tại Nghi định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, gồm các bước: Lập, thẩm định, phê duyệt và công bố dự án; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; đàm phán và ký kết thỏa thuận đầu tư, hợp đồng dự án; thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập doanh nghiệp dự án; triển khai thực hiện dự án; quyết toán và chuyển giao công trình.
"Các dự án đầu tư theo hình thức BT trên địa bàn Hà Nội đều được thực hiện tuân thủ đúng các quy định nêu trên. Các đề xuất dự án được phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh đều được công bố công khai trên mạng đấu thầu quốc gia, cổng thông tin điện tử của UBND Thành phố và Sở Kế hoạch và Đầu tư", đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Báo cáo nghiên cứu khả thi cũng được các cơ quan chuyên môn của thành phố thẩm định, thiết kế cơ sở và tổng vốn đầu tư được Sở chuyên ngành thẩm định theo quy định.
Giá trị quỹ đất bảo đảm nguyên tắc sát giá thị trường
Đối với quỹ đất thanh toán cho Dự án, ở giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, quỹ đất thanh toán được Sở Quy hoạch Kiến trúc cung cấp thông tin quy hoạch (dựa trên quy hoạch phân khu đô thị hoặc quy hoạch chi tiết nếu có) làm cơ sở để Sở Tài nguyên và Môi trường sơ bộ xác định giá trị quỹ đất thanh toán.
UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện xác định giá trị quỹ đất trên cơ sở so sánh giá của 4 loại hình chuyển dịch quyền sử dụng đất tại khu vực (giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường, giá bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất và giá đất theo bảng giá nhân với hệ số điều chỉnh tối đa) để lựa chọn phương án có giá trị cao nhất.
Diện tích đất dự kiến thanh toán cho dự án là toàn bộ diện tích giao cho Nhà đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch. Nhà đầu tư phải thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật và chỉ được khai thác 1 phần diện tích trong phạm vi nghiên cứu. Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật (hệ thống đường giao thông, công viên, hồ điều hòa, cấp thoát nước, xử lý nước thải), các công trình công cộng (trường học, bệnh viện, bãi đỗ xe, các công trình thiết chế công, quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội), nhà đầu tư phải bàn giao cho thành phố.
Đáng chú ý, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thực tế, tính trung bình trong tổng diện tích đất dự kiến đối ứng cho dự án BT, nhà đầu tư chỉ được khai thác khoảng 26% tổng diện tích đất để hoàn vốn cho công trình BT.
Đặc biệt, tại thời điểm giao đất, giá trị quỹ đất sẽ được Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các quận, huyện có liên quan thẩm định, bảo đảm nguyên tắc sát giá thị trường.
Việc thực hiện thanh toán cho dự án BT phải đảm bảo nguyên tắc cân đối giữa giá trị quỹ đất thanh toán và giá trị công trình BT. Trường hợp quỹ đất thanh toán còn dư, UBND Thành phố đã chỉ đạo thu hồi để sử dụng vào mục đích chung của thành phố (không áp dụng phương thức nhà đầu tư nộp tiền chênh lệch).
5 dự án BT mới được Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư
|
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.