(HNMO) - Sáng 10-11, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các bộ, ngành tổ chức hội thảo chuyên đề "Phát triển đô thị thông minh trong quá trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Đây là 1 trong 10 hội thảo chuyên đề nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba - Industry Summit 4.0 với chủ đề "Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số".
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cho biết, trong xu thế đô thị hóa và phát triển đô thị thông minh ngày càng gia tăng, việc phát triển đô thị thông minh được Việt Nam xác định là một hướng đi đúng đắn cho các đô thị và đã được Bộ Chính trị chính thức đưa vào Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phát triển đô thị thông minh cũng nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1-8-2018 phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018- 2025 và định hướng đến năm 2030. Đến nay, trên cả nước đã có 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã, đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Trong đó, có đề án, kế hoạch được ban hành cho toàn tỉnh và đề án, kế hoạch ban hành cho một đô thị thuộc tỉnh.
Tuy vậy, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cũng thừa nhận, việc triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam vẫn gặp một số khó khăn. Nguyên nhân là nhận thức về đô thị thông minh từ nhu cầu của nhà quản lý (lãnh đạo ở địa phương), nhu cầu cung cấp sản phẩm của cộng đồng doanh nghiệp/ chủ đầu tư hay từ nhu cầu thụ hưởng các dịch vụ của người dân chưa được nâng cao. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch đô thị thông minh và hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc thông minh chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ. Sự tham gia của cộng đồng, các thành phần kinh tế trong xây dựng đô thị thông minh còn hạn chế. Việc triển khai đô thị thông minh còn riêng lẻ, manh mún...
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ các vấn đề về sự cần thiết, vai trò của phát triển đô thị thông minh; kinh nghiệm, mô hình quốc tế thành công trong phát triển đô thị thông minh, giải pháp cụ thể trong quy hoạch, quản lý, điều hành đô thị thông minh...
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định: Phát triển đô thị thông minh không còn là khẩu hiệu mà đã trở thành lựa chọn thiết thực tại các đô thị nhằm nâng cao chất lượng sống và năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 vừa qua, đô thị thông minh đã giúp nền kinh tế đô thị và an sinh xã hội nhanh chóng phục hồi. Trước mắt, việc áp dụng mô hình đô thị thông minh cần trở thành ưu tiên trong phát triển các khu đô thị mới và các công trình xây dựng mới. Đối với khu vực đô thị hiện hữu, giải quyết thông minh từng phần, bảo đảm sự phù hợp về nguồn lực, năng lực và bối cảnh kinh tế- xã hội địa phương.
Ông Michael Koh, thành viên Ban giám đốc Trung tâm các thành phố đáng sống, Bộ Kế hoạch phát triển và Quản lý đất đai Singapore chia sẻ vấn đề quy hoạch tích hợp trên nền tảng công nghệ thông minh, cũng như bài học kinh nghiệm từ Singapore...
Các đại biểu cũng thảo luận sâu hơn về những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển đô thị thông minh nói chung và trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Việt Nam như: Xu hướng phát triển đô thị thông minh tại các quốc gia phát triển và đang phát triển có những khác biệt gì. Cách thức huy động nguồn lực cho phát triển đô thị thông minh đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển...
Trên cơ sở những đề xuất, hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học, Tổ biên tập Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để xây dựng Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2022.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.