(HNMO) - Chiều 10-1, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2023. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền tham dự.
Năm 2022, Sở Công Thương đã tích cực tham mưu, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phục hồi, thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn thành phố. Các sự kiện được tổ chức với nhiều hình thức, nội dung đa dạng phong phú. Với những nỗ lực, chủ động, sáng tạo trong quá trình triển khai nhiệm vụ, ngành Công Thương đã góp phần thúc đẩy sự phục hồi tích cực của sản xuất công nghiệp, thương mại nội địa, xuất nhập khẩu trong năm 2022, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng 8,89% GRDP trên địa bàn toàn thành phố.
Đáng chú ý, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,03% - cao hơn chỉ tiêu kế hoạch là tăng 7,3% - 7,8% (năm 2021 tăng 5,37%), đóng góp 1,14 điểm % vào mức tăng 8,89% của GRDP. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 ước đạt 697,7 nghìn tỷ đồng, tăng 25,2% so với năm 2021 - cao hơn chỉ tiêu kế hoạch là tăng 9% - 10% (năm 2021 giảm 4,6%).
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định sự nhất trí với 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà ngành Công Thương đề ra cho năm 2023, trong đó có 7 nhóm nhiệm vụ khó để tập trung chỉ đạo, thực hiện, xử lý có hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị, Sở Công Thương, các đơn vị trong ngành cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt một số nhiệm vụ. Cụ thể, tiếp tục bám sát thực hiện tốt 10 Chương trình công tác lớn của Thành ủy và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố giao cho Sở.
Trong đó, ngành cần tập trung rà soát, hoàn thành các phương án phát triển công nghiệp, cụm công nghiệp, điện, thương mại, logistics để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô;
Ngành cần có giải pháp cụ thể để phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư để có những dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất. Đẩy nhanh tiến độ thành lập, đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp, triển khai có hiệu quả chương trình khuyến công; tăng cường các biện pháp nhằm đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, sử dụng điện với chất lượng cao, an toàn, hiệu quả và tiết kiệm; có giải pháp, lộ trình cụ thể để khởi công 34 cụm công nghiệp mới được thành lập trong giai đoạn 2018-2020; nâng cao hiệu lực hoạt động của 70 cụm công nghiệp đang hoạt động…;
Bên cạnh đó, ngành tập trung đẩy mạnh công tác hội nhập kinh tế quốc tế, triển khai có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực; đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện các giải pháp mở rộng thị trường, phát triển, khai thác thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng cho các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn, đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu bền vững;
Đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng hóa vào kênh phân phối nước ngoài; đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai; tham mưu các giải pháp để tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn, ổn định cung cầu hàng hóa; tăng cường kiểm soát chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu đời sống, sức khỏe nhân dân, đảm bảo kiềm chế được lạm phát, trong đó, tập trung phục vụ tốt nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023;
Ngành Công Thương Thủ đô cũng cần thúc đẩy phát triển các loại hình thương mại hiện đại, đáp ứng văn minh thương mại (Oulett, chợ đầu mối nông sản…); tập trung phát triển và quản lý loại hình thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn nữa sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh công tác về cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý theo quy trình ISO; tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong toàn ngành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.