Theo khảo sát của đoàn thanh tra liên ngành, 70% cẩu tháp đang hoạt động ở các công trường xây dựng Hà Nội vươn ra đường gây nguy hiểm. 16 đơn vị sử dụng cẩu vi phạm hành lang an toàn đã bị đình chỉ.
Một công trường sử dụng cẩu tháp ở Hà Nội. |
Sau hàng loạt tai nạn lao động, sập cần cẩu, giàn giáo trên các công trường, chiều qua cuộc họp liên ngành lao động và xây dựng đã diễn ra tại Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Theo Thứ trưởng Lao động Doãn Mậu Diệp, từ năm 2005-2014 cả nước xảy ra hơn 58.000 vụ tai nạn, làm chết gần 5.800 người và bị thương nặng 14.200 người. Phần lớn tai nạn xảy ra trong ngành xây dựng, chiếm 30% số vụ gây chết người.
Phân tích nguyên nhân, ông Diệp cho rằng do sự tuân thủ quy định pháp luật còn kém, điều kiện, năng lực nhà thầu hạn chế. "Thiết bị không đảm bảo an toàn cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn. Theo thống kê, nguyên nhân do thiết bị không an toàn chiếm 18% tổng số vụ tai nạn", thứ trưởng Diệp nói.
Ông Bạch Quốc Việt, trưởng phòng An toàn lao động, Sở Lao động Hà Nội thì nhận thấy công tác kiểm định các loại thiết bị, đặc biệt là cẩu ở công trường đang có vấn đề, "không thể có cần cẩu vừa được kiểm định an toàn đã gặp sự cố được".
"Để kiểm định một cẩu tháp hiện nay mất 2 giờ, thời gian ngắn như vậy làm sao mà chuẩn được, trong khi có bao nhiêu thứ cần làm như thử tải các kiểu, phải mất cả ngày không xong, không thể để kiểu nhìn qua ống nhòm xem cẩu có sập hay không rồi cấp phép kiểm định là xong", ông Việt thẳng thắn.
Đại diện Sở Lao động Hà Nội cho biết thêm, vừa qua Sở Xây dựng đã chủ trì kiểm tra cẩu tháp ở các công trường xây dựng, trong đó phát hiện 16 công trình để cẩu tháp vi phạm hành lang an toàn nên buộc phải dừng hoạt động. Ngoài việc xử lý hành chính, đoàn kiểm tra yêu cầu nhà thầu tháo dỡ cẩu vi phạm.
Trong hàng nghìn cẩu tháp hoạt động, 70% cẩu ở các công trường xây dựng vươn ra đường nên Sở cho rằng nếu dừng hết số này sẽ ảnh hưởng tiến độ. Giải pháp được đề ra là cho phép loại cẩu này hoạt động sau 22h đêm đến 5h sáng và phải có rào chắn, có cảnh báo và người canh gác.
Ông Việt cũng đề xuất thường xuyên kiểm tra những công trình trọng điểm, xem xét lại chất lượng của thanh tra xây dựng và giao thông. "Tại sao vừa thanh tra lại xảy ra sự cố", ông đặt câu hỏi.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, TP HCM và Hà Nội là hai địa phương dẫn đầu về số vụ tai nạn và số người chết vì tai nạn lao động. Năm 2014, TP HCM xảy ra gần 1.200 vụ tai nạn làm 100 người chết, Hà Nội đứng thứ hai với 132 vụ, 100 người chết. Việt Nam có gần 29 nghìn người mắc bệnh nghề nghiệp. Trong đó, 75% mắc bệnh phổi do liên quan đến bụi Silic, 10% bệnh do tiếng ồn nghề nghiệp. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.