Theo dõi Báo Hànộimới trên

16.000 ô tô vi phạm bị chặn đăng kiểm

Theo ATGT| 20/09/2017 09:18

Từ đầu năm đến nay, số chủ xe vi phạm giao thông nhưng cố tình không nộp phạt, bị gửi danh sách sang đăng kiểm để từ chối kiểm định tăng gấp 5 lần so với cả năm 2016.

Nhiều chủ xe đi vào làn buýt nhanh BRT Hà Nội bị camera ghi hình để phạt nguội nhưng không hề hay biết (Ảnh chụp chiều ngày 19/9/2017 trên đường Tố Hữu, Hà Nội) - Ảnh: Tạ Tôn


Nhiều chủ xe tá hỏa khi bị cộng dồn tiền phạt lên đến hàng chục triệu đồng do hồn nhiên vi phạm mà không hề biết.

Dừng kiểm định mới chịu nộp phạt

Chiều 18-9, chị Võ Thị Thanh B. (quận Hải Châu, Đà Nẵng), chủ nhân xe ô tô BKS 43A-085… đến trụ sở Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng nộp phạt vi phạm giao thông theo thông báo của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng. Chị B. kể, mấy hôm trước, chị đưa xe đi kiểm định định kỳ bất ngờ bị từ chối với lý do chị chưa đóng phạt. “Hỏi ra mới nhớ, khoảng tháng 7, tôi có vượt đèn đỏ trên đường Cách mạng Tháng 8, sau đó nhận giấy báo về nhưng do chủ quan nên không đến làm việc”, chị B. nói. Sau khi đến Phòng CSGT nộp phạt 2,8 triệu đồng, bị tước GPLX 4 tháng, xe của chị đã được trung tâm đăng kiểm tiếp nhận kiểm định.

Từng bị xử phạt nguội vì vi phạm giao thông, anh Dương Văn Th. (xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) rất ngỡ ngàng khi mới đây Trưởng công an xã và một CSGT tới tận nhà cho xem hình ảnh điều khiển xe máy BKS 88F1-237.4x chở 3, không đội MBH. “Đúng hình ảnh vi phạm, rõ BKS xe và tôi là người cầm lái. CSGT còn cho xem thêm video được quay lại. Trước các chứng cứ rõ ràng, tôi ký biên bản vi phạm và sau đó đến kho bạc làm thủ tục nộp phạt”, anh Th. nói.

Tuy nhiên, việc phạt nguội không phải lúc nào cũng dễ dàng như chị B. và anh Th. Trên thực tế, hiện có hàng ngàn vi phạm bị camera ghi hình, CSGT gửi giấy phạt nhưng người vi phạm không đến nộp phạt. Theo Thiếu tá Phạm Hồng Hải, Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng CSGT Đà Nẵng, từ 1-11-2016 đến 13-9-2017, camera của CSGT Đà Nẵng phát hiện 6.433 xe vi phạm đã gửi giấy báo. Đến nay, còn hơn 3.000 trường hợp vi phạm chưa đến nộp phạt.

“Toàn bộ danh sách xe vi phạm được chuyển sang Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng để từ chối kiểm định theo đúng quy chế phối hợp đã ký kết. Danh sách cũng được đăng tải công khai trên facebook CSGT CATP Đà Nẵng”, Thiếu tá Hải nói.

Ngày 18-9, Thiếu tá Nguyễn Minh Thuý, Đội phó Đội chỉ huy điều khiển đèn tín hiệu giao thông (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, Đội phát hiện, xử lý 3.557 trường hợp ô tô vi phạm qua camera, gửi thông báo tới cơ quan đăng kiểm 1.189 trường hợp đề nghị không kiểm định.

Thiếu tá Thúy giải thích, sau khi trích xuất hình ảnh vi phạm từ camera, CSGT Hà Nội gửi thông báo, giấy mời đến chủ xe theo tên trên giấy đăng ký xe, yêu cầu chủ phương tiện lên chấp hành xử lý vi phạm trước đó.

“Hầu hết, các trường hợp vi phạm chưa đến chấp hành xử lý có thể do các chủ xe mua bán, chuyển nhượng cho nhau chưa làm thủ tục sang tên. Hoặc chủ phương tiện cũ đã bán xe ôtô nhưng không sang tên cũng không thông báo cho cơ quan công an. Thậm chí, chủ cũ khi nhận được thông báo của CSGT không phản hồi, đến khi chủ xe mới đi đăng kiểm mới biết”, Thiếu tá Thúy nói. Ngoài ra, nhiều trường hợp chủ xe biết nhưng không chấp hành, khi đến lần đăng kiểm định kỳ tiếp theo bị dừng đăng kiểm mới quay lại nộp phạt.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN) cho biết, trong năm 2016, Cục Đăng kiểm VN chỉ nhận được đề nghị từ chối đăng kiểm 2.800 trường hợp xe ôtô. Tuy nhiên, gần đây con số này tăng chóng mặt. Chỉ từ tháng 1-2017 đến 15-9-2017, danh sách đề nghị từ chối đăng kiểm đã lên hơn 16.000 trường hợp, tăng hơn 5 lần năm 2016.

“Con số này gồm cả phạt nguội và những người bị các lực lượng chức năng lập biên bản nhưng cố tình không nộp phạt. Đến nay, mới có hơn 5.500 xe chấp hành nộp phạt và được tiếp nhận đăng kiểm trở lại”, ông Hệ nói.

Đề nghị phạt nguội qua tài khoản, tránh phiền phức

Cũng theo ông Ngô Hồng Hệ, việc số lượng xe đề nghị từ chối đăng kiểm do không nộp phạt tăng mạnh gây phát sinh nhiều thủ tục, giấy tờ, thậm chí chi phí cho bộ phận chức năng của Cục Đăng kiểm VN và các đơn vị đăng kiểm.

“Sau khi nhận được văn bản thông báo đã nộp phạt phải dỡ cảnh báo, cho phép các trung tâm đăng kiểm tiếp nhận phương tiện. Về phía các trung tâm đăng kiểm phải sao lưu chứng từ về việc người vi phạm đã chấp hành xử phạt, sau đó gửi lại Cục”, ông Hệ cho biết. Đồng thời, vẫn xảy ra những trường hợp đơn vị xử phạt quên phản hồi, khiến có trường hợp đã chấp hành xử phạt nhưng vẫn chưa được đăng kiểm ngay.

Ông Hệ cho rằng, để tránh gây phiền phức cho chủ xe, các đơn vị sau khi đã hoàn thành việc xử phạt đối với xe vi phạm cần gửi ngay đến Cục Đăng kiểm Việt Nam để dỡ cảnh báo trên hệ thống. Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống dữ liệu điện tử quản lý xe cơ giới trên toàn quốc, để đồng bộ hóa dữ liệu và nâng hiệu quả quản lý chung.

“Ngay sáng 18-9, có trường hợp chủ xe ở TP Hồ Chí Minh gọi vào đường dây nóng của Cục tỏ thái độ bức xúc vì không biết mình bị phạt nguội, chỉ khi đến Trung tâm đăng kiểm 50-03V bị từ chối đăng kiểm mới biết. Đơn vị phải mất rất nhiều thời gian giải thích, người này mới thôi bức xúc”, ông Hệ kể.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 29-02V (Hà Nội) dẫn chứng thêm, cũng trong ngày 18-9, xe tải BKS 89C-080.2.... khi đến đăng kiểm bị chặn do có đề nghị của CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa, trong khi chủ xe khẳng định đã nộp phạt. Trung tâm phải liên hệ để xin bản fax từ CSGT Khánh Hòa, đồng thời liên hệ với Cục Đăng kiểm VN, sau đó mới tiếp nhận kiểm định phương tiện.

“Việc ngành đăng kiểm từ chối tiếp nhận đăng kiểm chỉ mang tính chất hỗ trợ, còn lâu dài cần có cơ sở dữ liệu toàn quốc để quản lý phương tiện theo chính chủ, phục vụ xử lý vi phạm. Cần tiến tới đồng bộ hóa ghi hình lỗi vi phạm với xử phạt nguội thông qua hình thức trừ vào tài khoản”, ông Hệ đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
16.000 ô tô vi phạm bị chặn đăng kiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.